Đăng bởi: nguyenyenson | 05/01/2011

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3

Kinh C. Chen
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ

Phần 3

Vấn đề xung đột: Tranh chấp lãnh thổ và Hoa Kiều

Không giống như trong quan hệ với Liên Xô, lâu nay Trung Quốc không có nhiều tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Sự thật là Trung Quốc đã nhiều lần xâm chiếm Việt Nam trong quá khứ, tuy nhiên việc tiến hành những cuộc xâm lăng là để giành quyền lực hoặc đô hộ chứ không phải để chiếm lãnh thổ. Hình mẫu trong quá khứ giờ đã thay đổi. Lãnh thổ cũng đã trở thành vấn đề xung đột giữa hai nước. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng xung đột chỉ xảy ra sau khi quan hệ Việt-Trung trở nên xấu đi. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác đã góp phần vào những tranh chấp lãnh thổ. Trong số đó, vấn đề dễ gây bùng nổ và dễ xúc cảm nhất là việc Việt Nam trục xuất người Hoa sống tại miền nam và bắc Việt Nam.

Vấn đề xung đột

Trọng tâm tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh ba khu vực địa lý: đường biên giới dài 797 dặm, Vịnh Bắc Bộ và các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ba khu vực địa lý

Về lịch sử, khu vực biên giới, khu vực tranh chấp đầu tiên, chưa bao giờ được hai bên phân định rõ ràng cho đến năm 1887. Khi đó, chính quyền nhà Thanh và chính quyền thuộc địa Pháp tại An Nam (Việt Nam) đã ký Hiệp ước Pháp-Thanh về Phân định Biên giới, đến 1895 hai bên ký một hiệp định bổ sung vào Hiệp ước. Hơn 300 cột mốc biên giới đã được cấm dọc biên giới hai bên theo những văn kiện này. (1) Sau đó, khu vực biên giới khá yên bình trong suốt gần 90 năm. Cả hai nước và nhân dân hai bên tận dụng và hợp tác lẫn nhau về thương mại, văn hóa và thậm chí là những hoạt động cách mạng. Những đụng độ nhỏ lẻ và không đáng kể thỉnh thoảng xảy ra nhưng chưa bao giờ làm xáo trộn mối quan hệ giữa hai nước. “Tình đồng chí và anh em”, theo từ ngữ của Hồ Chí Minh, chiếm ưu thế trong giai đoạn này. Khi xung đột biên giới nổ ra cuối năm những năm 1970, vấn đề biên giới trở thành yếu tố dễ bùng nổ trong cuộc chiến 1979.

Khu vực thứ hai-phân chia Vịnh Bắc Bộ- không rõ ràng và chưa giải quyết được. Việc phân định theo hiệp ước 1897 chỉ dẫn chiếu mơ hồ đến vấn đề, không rõ ràng và chi tiết. Nhằm làm rõ chủ quyền đối với những đảo ngoài khơi, vào năm 1887 những nhà đàm phán Pháp và Trung Hoa đã vẻ ra đường ranh đỏ thẳng chạy từ Móng Cái (một thị trấn biên giới nằm ở phía đông bắc Việt Nam) đến phái nam của vịnh, đi qua ngọn đồi trên đỉnh phía đông của Trà Cổ (tiếng Hoa là Wanzhu) đến phía nam Móng Cái. Tất cả các đảo phía đông đường ranh thuộc về Trung Quốc và những đảo (Đảo Cô Tô và những đảo khác) phía tây thuộc về An Nam. (2) Trong bản tiếng Hoa của hiệp ước 1887 không qui định địa điểm chính xác của đường ranh đỏ, bản tiếng Pháp mô tả theo kinh độ Greenwich, 108 độ, 3 phút và 13 giây đông. Do bản hiệp ước không nêu rõ đường ranh là một “ranh giới biển”, nên không thể kết luận rằng ranh giới biển trên Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết vào thời điểm đó. Nhận xét này được cả Việt Nam và Trung Quốc ủng hộ, vì Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng đường ranh không phải là một biên giới trên biển và Việt Nam đã yêu cầu phân chia Vịnh Bắc Bộ tại hội nghị biên giới tháng 10 năm 1977 tại Bắc Kinh. Tháng 3 năm 1979, Việt Nam bắt đầu tuyên bố rằng Vịnh Bắc Bộ đã được phân chia theo hiệp ước 1887 và 1895.(3) Dù phần này của vấn đề lãnh thổ ít cấp thiết hơn so với vấn đề thứ ba.

Khu vực thứ ba, đảo Paracels (tiếng Trung Quốc là Tây Sa, tiếng Việt là Hoàng Sa) và đảo Spratlies (tiếng Trung Quốc là Nam Sa, tiếng Việt là Trường Sa) là khu vực tranh chấp nhiều nhất. Vì vấn đề đã được mang ra bàn thảo công khai, Hà Nổi nỗ lực rất lớn để khẳng định chủ quyền của mình trên những quần đảo này. Trong tình hình phức tạp và đầy tranh cãi này, cần phải có một cuộc đàm phán sâu rộng.

Đảo Hoàng Sa cách khoảng 160 dặm về phía đông nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và 225 dặm về phía đông Đà Nẳng. Trường Sa cách Hoàng Sa khoảng 540 dặm về phía nam và 400 dặm về phía đông của Sài Gòn. Hai quần đảo này gồm 135 đảo được đặt tên, đảo nhỏ, đảo san hô không người ở, bãi san hô, bãi đá ngầm, bãi cát san hô và bãi đá. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, Philippine, trong phạm vi hẹp hơn, cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo nhỏ tại Trường Sa gần Palawan. Khi đó Trung Quốc và Việt Nam gia tăng đòi hỏi chủ quyền tại những quần đảo này, Philippin không tham gia vào tranh cãi nhưng vẫn duy trì đòi hỏi chủ quyền.

Đối với Trung Quốc và Việt Nam, tầm quan trọng của Trường Sa và Hoàng Sa được xem xét ở ba khía cạnh: chủ quyền, năng lượng và chiến lược. Về chủ quyền, chủ quyền đối với quần đảo là vấn đề thuộc về chủ nghĩa dân tộc, quyền chiếm hữu lãnh thổ của mình. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều ấp ủ quyền dân tộc cao độ sau một thế kỷ khuất phục trước thực dân và đế quốc Tây phương. Mặc dù một dàn xếp có thể được thực hiện như tranh chấp tại đảo Tiao-yu (Đảo Senkaku – Điếu Ngư Đài) giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vào năm 1986 nhưng còn quá sớm để hy vọng một bên từ bỏ đòi hỏi chủ quyền (4) Chủ nghĩa dân tộc vẫn là một lực lượng hùng mạnh tại hai quốc gia cộng sản này.

Về năng lượng, những quần đảo có một giá trị thêm vào. Sau khi những nhà hải dương học công bố tìm kiêm trong quá trình nghiêng cứu của họ tại vùng Biển Đông Á từ một loạt uỷ ban khảo sát của Liên Hiệp Quốc và những nghiên cứu khác bắt đầu từ cuối những năm 1960, một số người cho rằng ngoài khơi Đông Á là “một Vịnh Peris khác”, những người khác chỉ trích quan điểm này là quá lạc quan. (5) Tuy nhiên, hầu hết đồng ý với ước lượng chung rằng khu vực này là một trong những vùng dự trữ dầu khí lớn nhất trên thế giới. Những khu vực triển vọng nhất toàn bộ ngoài khơi Trung Quốc là những vùng nước sâu của Biển Đông Trung Hoa và một phần Eo biển Đài Loan nơi có tiềm năng hydrocacbon trung bình là 50.000-79.000 thùng một km2. Tại Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa được cho là có lượng dầu khí lớn. Ví dụ, Hoàng Sa “là một trong số những núi lửa và vùng đá vôi lập nên bờ tây bắc của Bể Trung Hoa và khu vực lý tưởng cho những hoạt động ngoài khơi xung quanh khu vực vực bể trầm tích dày nhất”. (6)

Dù vùng nước sâu của Biển Đông nằm ngoài công nghệ khai thác hiện nay của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tiềm năng vẫn rất có triển vọng. (7) Đầu năm 1981, Trung Quốc phát hiện một mỏ dầu tiềm năng khác gần bán đảo Liễu Châu và đảo Hải Nam. Đây là phần của khu vực có diện tích 110.000 km2 mở rộng từ Hải Nam và Đài Loan. (8)

Tại Việt Nam, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trước đây đã ký nhiều hợp đồng với các công ty dầu khí Tây phương vào năm 1973 để khai thác dầu khí. Khoan thăm dò bắt đầu từ năm 1974. Tháng 10 năm đó, Công ty Shell của Hoa Kỳ có phát hiện đầu tiên cách bờ 200 dặm và Mobil có phát hiện thứ hai vào tháng 2 năm 1975. (9) Những phát hiện nàyđã làm gia tăng đáng kể hy vọng kinh tế và tinh thần của chính quyền Sài Gòn. Hà Nội ngay lập tức trở nên bồn chồn. Chuyển biến này có thể đóng vai trò làm Hà Nội nhanh chóng đưa ra quyết định mở cuộc tấn công vào chế độ Sài Gòn mùa xuân 1975. Dựa vào bối cảnh này, giá trị tiềm năng dầu khí tại Hoàng Sa và Trường Sa đối với Trung Quốc và Việt Nam được nâng cao đáng kể.

Về giá trị chiến lược, vị trí của hai quần đảo là mối quan tâm của những cường quốc chính tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Nhật bản, Hoa Kỳ và Liên Xô. Cùng với đảo Đông Sa (Bãi đá Pratas) của Trung Quốc và đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield), Hoàng Sa và Trường Sa được Trung Quốc đánh giá là “một đầu mối hàng hải quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và là cửa ngỏ hàng hải quan trọng từ Trung Quốc đại lục đến những đảo lân cận.” (10) Đối với Trung Quốc, và ở phạm vi hẹp hơn là với Nhật Bản, đây là tuyến đường biển cực kỳ quan trọng cho hoạt động thương mại và hải quân. Với Hoa Kỳ, tuyến hàng hải này chỉ là một khoảng cách ngắn đến những căn cứ không quân và hải quân đặt tại Philippine. Với Liên Xô, đây là khu vực mà qua đó sự lớn mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô phải đi lại tự do từ cảng trong nước là Vladivostok đến Ấn Độ Dương.

Từ khi Liên Xô có được quyền sử dụng những căn cứ không quân và hải quân tại Đà Nẳng và Vịnh Cam Ranh, cách Hoàng Sa và Trường Sa khoảng 225 và 540 dặm về phía tây, giá trị chiến lược của hai quần đảo tăng lên đáng kể. Thực ra, trong Chiến tranh Thế Giới II, Nhật Bản đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm nhỏ tại Trường Sa. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ giám sát các hoạt động tàu ngầm và việc đi lại của tàu thuyền tại khu vực đảo Pratas Reef. Trong quá khứ, tại Macclesfield Bank là khu vực bến đậu cho tàu thuyền của nhiều nước, kể cả những tàu của Liên Xô. (11) Trong con mắt của Việt Nam và Trung Quốc, tầm quan trọng về quân sự của hai quần đảo càng gia tăng khi các cường quốc tăng cường cạnh tranh hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tranh chấp tại Hoàng Sa và Trường Sa

Trước 1975, Bắc Kinh và Hà Nội không có tranh cãi về lãnh thổ, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Thực ra Hà Nội đã chính thức ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh vào những năm 1950 và không đưa ra tuyên bố chính thức nào để phản đối lập trường của Trung Quốc về hai quần đảo. Tuy nhiên, sau 1974 tình thế dần dần phát triển lên thành tranh chấp.(12) Tranh chấp này có những nguồn gốc lịch sử và cơ sở pháp lý.

Về lịch sử, tài liệu xác thực sớm nhất của Trung Quốc về Hoàng sa là một cuốn sách quan trọng có tên Chư Phiên Chí do Triệu Nhữ Quát viết vào thế kỷ 13. Cuốn sách có đoạn miêu tả như sau: “Phía đông (của Hải Nam) là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường và ngoài [hai đảo đó] là đại dương bao la…” (13). Friedrick Hirth và W.W.Rockhill, hai nhà Hán học đã dịch và chú thích cho cuốn sách, đã chỉ đúng hai nhóm đảo này là Trường Sa và Hoàng Sa. (14)

Bằng chứng được hầu hết mọi người thừa nhận về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa là Tống Sử Ký Sự Bản Mạt (Biên niên ký của triều Tống). Cuốn sách ghi lại rằng hoàng đế thứ hai đến cuối cùng của triều đại Phương nam đã trốn chạy vào năm 1277, do sự truy đuổi nhiều lần của các tướng lĩnh Mông Cổ, từ tỉnh Quảng Đông đến Thất Lý Dương (Biển Bảy Dặm hay Hoàng Sa), trên đường đến Champa (Kinh đô Champa). Một vị tướng Tống đã đến Champa một tháng trước đó, nhưng hoàng đế đã không gặp được ông ta. (15)

Triều Nguyên (Mông Cổ) đã cử một đoàn thám hiểm đến Java vào năm 1292 do Tướng Shih Pi (Shi Pi) đứng đầu. Ông ta đã đi qua Thất Châu Dương (Biển Bảy Đảo) và Vạn Lý Thạch Đường (Biển 10 ngàn lý), qua Giao Chỉ (miền bắc Việt Nam) và Champa. (16) Nhưng không có bằng chứng cho thấy đội thám hiểm đã tuyên bố chủ quyền hay sử dụng những quần đảo này.

Bằng chứng thuyết phục được tìm thấy trong thời kỳ lịch sử của nhà Minh (1368-1644). Trong gia đoạn 1405-1433, nhà hàng hải Trịnh Hòa đã thực hiện 7 chuyến thám hiểm nổi tiếng đến Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đi qua những quần đảo này. Đoàn thám hiểm của ông ta gồm hơn 27.000 lính với 62 tàu thuyền có thể đã đến Hoàng Sa và Trường Sa. Một số đảo nhỏ tại Hoàng Sa được đặt tên là Vĩnh Lạc Quần Đảo (sau Vua Minh hay Vĩnh Lạc, còn được gọi là Nhóm lưỡi liềm). Trịnh Hòa (hoặc những ngư dân đi sau ông ta) cũng để lại nhiểu đồng tiền thời nhà Minh, “Vĩnh Lạc Thông Bảo” tại Hoàng Sa. (17) Vào khoảng năm 1430, lính của Trịnh Hòa có vẽ một bản đồ chỉ ra những tuyến đường biển trong chuyến đi của họ giữa Hoàng Sa và Trường Sa.(18)

Trong thời kỳ nhà Thanh, một số chỉ dẫn về Hoàng Sa có xuất hiện trong nhiều cuốn sách. Những tài liệu này xác định những đảo cách đảo Hải Nam 700 lý (1 lý bằng 0,33 dặm) về hướng đông nam là “Thất Châu Dương”, “Thất Lý Dương”, “Thất Châu Dương Sơn”, hay “Trường Sa Thạch Đường”. Thất Châu Dương nghĩa là Biển Bảy Đảo. (19) Bảy đảo này hiện nay là Đảo Cây (Tree Island), Bãi Tây (West Sand), Đảo Giữa (Middle Island), Đảo Bắc, Đảo Nam, Đảo Đá (Rocky Island) và Đảo Gỗ (Woody Island). Năm 1884, An Nam trở thành môt xứ bảo hộ của Pháp. Ba năm sau, chính quyền thuộc địa pháp đàm phán với Trung Hoa về vấn đề biên giới giữa Trung Hoa và An Nam như đã đề cập trước đây.

Về phía Việt Nam, bằng chứng sớm nhất về Hoàng Sa là Phủ Biên Tạp Lục (Ghi chép về bình định biên giới) vào cuối thế kỷ 18. Cuốn sách chỉ ra rằng “Nhà Nguyễn trước đây đã thành lập hải đội Hoàng Sa gồm 70 quân lính” với 5 thuyền đánh cá nhỏ và đi trong 3 ngày đêm đến các hòn đảo. Không có chỉ dẫn về xác định thời điểm “trước đây”. Binh lính được gửi đến để “thu thập vật gì mà họ muốn”. Họ đã tìm thấy “gươm, đồng bạc, đồng thau có giá trị, đồ vật bằng ngà, đồ sứ” và nhiều thứ khác. (20)

Năm 1816, theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên (Biên niên ký chính thức của Đại Nam), Vua Gia Long đã lệnh cho “những đội thủy quân và hải đội Hoàng Sa đến Hoàng Sa bằng thuyền để khảo sát các tuyền đường biển”. (21) Hiện nay Hà Nội cho rằng sự kiện này cho thấy sự chiếm đóng [của Việt Nam] đối với Hoàng Sa. Một năm sau, vua Việt Nam cử thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật cấm 10 bài gỗ ghi chủ quyền trên những đảo này. (22) Những phương thức này được Hà nội cho là những hành động nhằm xác lập chủ quyền trên đảo. Về điểm này, tài liệu lịch sử Việt Nam chỉ xem xét đến đảo Hoàng Sa mà không có đề cập gì đến đảo Trường Sa.

Gần đây Hà Nội đưa ra bản đồ Việt Nam vẽ năm 1838 như là chứng cứ chứng minh đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Không có thêm thông tin nào khác được công bố. Người ta có thể đặt câu hỏi liệu vị trí của những đảo trên bản đồ có phải là đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay hay không.

Tài liệu lịch sử trước giữa thế kỷ 19 chứng minh một điểm rằng: cả Việt Nam và Trung Quốc đều đòi hỏi chủ quyền tại các quần đảo, nhưng không bên nào quan tâm đến đòi hỏi chủ quyền của bên kia. Do đó hai bên chưa bao giờ nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ lập trường của mình. Về bằng chứng, Trung Quốc có tài liệu vững chắc hơn so với Việt Nam để chứng minh việc họ là người khám phá đầu tiên và tuyên bố chủ quyền đối với các đảo. Dù không có nước nào thực hiện việc chiếm đóng thường xuyên và kiểm soát hiệu quả, chính Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam, ít ra đã ngăn chặn nỗ lực của Đức muốn khảo sát Hoàng Sa vào năm 1883. (23) Ngoài ra, hiệp ước 1887, được ký kết chỉ 4 năm sau khi sự kiện 1883 xảy ra, có thể được Trung Quốc diễn giải rằng đó chỉ là một hiệp ước về biên giới trên bộ chứ không phải là một vấn đề “có thể gây tranh chấp” về lãnh thổ của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. (24)

Từ 1907-1908, khi các thương gia Nhật bản chiếm đóng đảo Pratas (Đông Sa Quần Đảo), đã thúc giục chính quyền Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông tiến hành những hành động trực tiếp và quyết đoán đối với Hoàng Sa. (25) Năm 1909 chính quyền Quảng Đông cử 3 tàu chiến do tướng chỉ huy hải quân Li Zhun dẫn đầu nhằm khảo sát các đảo. Sau khi hoàn tất chuyến thị sát, phái đoàn đã trình lên chính quyền Trung Quốc một đề xuất phát triển 8 điểm đối với Hoàng Sa. (26) Tuy nhiên đã không có hành động nào được tiến hành ngay lập tức. Năm 1928, Chính quyền Quảng Đông tổ chức một đội khảo sát và kiểm tra các đảo. Đại học Tôn Trung Sơn tại Quảng Đông dẫn đầu đội hải thuyền và gửi một tàu chiến đi theo. Sau chuyến khảo sát, một bản báo cáo được công bố và Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo. (27) Không có quốc gia nào, kể cả Pháp (hay An Nam) phản đối.

Tuy nhiên, tháng 12 năm 1931, Pháp phản đối chủ quyền Trung Quốc đối với Hoàng Sa cho nước bảo hộ của họ là Việt Nam. Quai d’Orsay thông báo cho Trung Quốc rằng đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa căn cứ trên tài liệu lịch sử Việt Nam rằng vua Gia Long vào năm 1816 và vua Minh Mệnh vào năm 1835 đã thực thi chủ quyền tại đó. (28) Khi đó, chính quyền Pháp cũng đòi hỏi chủ quyền cho Việt Nam đối với Trường Sa. Trong suốt những cuộc đàm phán ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, năm 1933 Pháp bất ngờ tuyên bố chiếm đóng 9 đảo nhỏ tại Hoàng Sa và Trường Sa và đặt những đảo này dưới chủ quyền của mình. Pháp nói rằng chỉ có người Trung Quốc trên đảo khi việc chiếm đóng diễn ra .(29) Chính quyền Trung Hoa kịch liệt phản đối sự chiếm đóng của Pháp.

Tranh cãi kéo dài nhưng không giải quyết được. Tháng 7 năm 1938, khi Trung Quốc tiến hành cuộc đấu tranh chống Nhật Bản, Pháp chiếm phần còn lại của Hoàng Sa.

Tình hình thay đổi vào năm 1939. Tháng 2 năm đó, Nhật chiếm đóng Hải Nam, đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến khi Nhật đầu hàng vào tháng 8 năm 1945. Tháng 11 năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc chiếm hai quần đảo và đặt tên lại các đảo nhỏ, bãi đá ngầm, bãi cát, bãi đá. Lính canh giữ của Trung Hoa Dân Quốc đã đóng tại Hoàng Sa và Trường Sa cho đến năm 1950 khi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đổ bộ lên Hải Nam. Từ 1939-1950, cả Pháp và Việt Nam đều chưa bao giờ phản đối việc chiếm đóng của Nhật Bản và Trung Quốc đối với hai quần đảo.

Khi Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản được ký tại Hội nghị San Francisco, cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo. Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chu Ân Lai đã đưa ra bản thông cáo vào ngày 15 tháng 8 năm 1951 tại Bắc Kinh (cả Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều không được mời đến hội nghị) với hàm ý rằng đảo Hoàng Sa và Trường Sa “luôn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc”, và chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này “sẽ không bao giờ bị ảnh dưới bất kỳ cách thức nào”. (30) Ngày 7 tháng 9 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, Trần Văn Hữu, Thủ tướng chính quyền Bảo Đại, cũng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố hai quần đảo “luôn luôn là của Việt Nam”. (31) Sau đó chính phủ Philppine cũng tuyên bố chủ quyền một số đảo trong quần đảo và Hiệp ước Hòa bình không nêu ra những đảo này thuộc về nước nào.

Tháng 6 năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của Hồ Chí Minh (VNDCCH) tái lập tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm nói với Li Zhimin, đại diện Tòa đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, rằng “theo dữ liệu của Việt Nam, Nam Sa và Tây Sa trong lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” (32) Cuối năm 1956, Trung Hoa Dân Quốc gửi binh lính đến chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa kể từ đó đã đóng quân luôn tại đây.

Bằng chứng thuyết phục hơn về việc Việt Nam công nhận các đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc là xác nhận của Phạm Văn Đồng với tuyên bố của chính phủ Trung Quốc vào năm 1958. Ngày 4 tháng 9 năm đó, chính phủ Trung Quốc công bố chiều rộng hải phận 12 hải lý áp dụng trên tất cả lãnh thổ của Trung Quốc “bao gồm đảo Đông Sa, đảo Nam Sa…” Mười ngày sau, Phạm Văn Đồng nêu trong công hàm gửi đến Chu Ân Lai rằng “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” (33)

Năm 1977 Phạm Văn Đông đã thay đổi ý kiến. Ông nói rằng ông phải đưa ra xác nhận đó vì đó là thời điểm chiến tranh. (34) Tuy nhiên 1958 không phải là năm có chiến tranh. Nếu quan hệ Việt-Trung không xấu đi, thì xác nhận của Phạm Văn Đồng đến ngày nay sẽ vẫn sẽ còn được xác thực.

Nhằm củng cố sự ủng hộ dân tộc của nhân dân, chính quyền Sài Gòn cho quân đổ bộ lên một trong số các đảo nhỏ của Hoàng Sa và quấy rối những ngư dân Trung Quốc nhưng không chiếm đảo. Năm 1961, Sài Gòn tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam của Việt Nam. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, Hà Nội giữ im lặng. Năm 1973, Sài Gòn chiếm một đảo tại Hoàng Sa và bắt đầu ký các hợp đồng thăm dò dầu khí với các công ty nước ngoài, như đã nói ở phần trước. Ngoài ra, Sài Gòn còn tuyên bố sáp nhập 7 đảo tại Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy của Việt Nam. Những diễn biến này thúc dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm Hoàng Sa bằng quân sự vào tháng 1 năm 1974 sau cuộc đụng độ ngắn với quân đội Sài Gòn. (35)

Việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa có tác động rất lớn. Hai tuần sau, Sài Gòn chuyển qua chiếm 6 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa nhưng không động đến lính của Đài Loan đóng tại đảo Ba Bình. Bắc Kinh gọi việc chiếm đóng của Sài Gòn một cuộc “xâm lược” và lập lại chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. (36) Nhằm làm phức tạp thêm cuộc tranh chấp ngoại giao này, Philippine lên tiếng phản đối hành động quân sự của cả Trung Quốc và Việt Nam và khẳng định chủ quyền của mình. Khi quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn tháng 4 năm 1975, Hà Nội không mất thời gian trong việc đưa quân ra chiếm 6 đảo tại Trường Sa từ tay quân Sài Gòn. (39) Sau khi việc chiếm đóng đã hoàn tất và đảm bảo, tờ Quân đội Nhân dân của Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1975 đã công bố bản đồ Việt Nam đánh dấu Quần đảo Trường Sa là một phần của Việt Nam. Cuối 1975, bản đồ mới của nước Việt Nam thống nhất gồm Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam. (40) Có vẻ như Việt Nam đưa ra chiến lược lấy tấn công để phòng thủ. Điều này xảy ra lần thứ hai khi Hà Nội thay đổi lập trường về các quần đảo.

Trước 1976, Việt Nam không bao giờ sử dụng tên gọi “Hoàng Sa” và “Trường Sa” để chỉ đảo Paracel và Spratly. Tuy nhiên từ 1976, Việt Nam kiên định sử dụng những tên này nhằm đòi hỏi quyền lợi lịch sử của mình. Tháng 5 năm 1977, Việt Nam mở rộng vùng đặc quyền kinh tế lên 200 hải lý, bao gồm đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng. (41) Cho đến cuối 1978 lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn duy trì sự công kích ở mức độ có giới hạn. Ví dụ như trong việc phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với đảo Trường Sa, Hà Nội lập lại phản tố đối với các quần đảo nhưng bày tỏ mong muốn giải quyết một cách hòa bình. (42) Tuy nhiên Bắc Kinh thì không hề khoan nhượng. Lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và quyết đoán, nhất là trong những cuộc hội đàm của Lý Tiên Niệm với Phạm Văn Đồng vào tháng 6 năm 1977 và trong bài phát biểu của Hoàng Hoa tháng 7 năm 1977. (43) Vì thế hai bên không đạt được một tiến trình nào khi tổ chức đàm phán về biên giới vào tháng 10 năm 1977. Tháng 4 năm 1978, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phan Hiền được cho là đã bày tỏ sự không đồng tình với người đồng nhiệm của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo. (44) Sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979, Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo và gọi cuộc chiếm đóng của Trung Quốc đối với Trường Sa là “một hành động xâm lược trắng trợn” đối với chủ quyền của Việt Nam “nhằm đặt Việt Nam dưới tầm kiểm soát của Trung Quốc từ ngoài biển”. (45) Đây là lần thứ ba Hà Nội thay đổi lập trường từ việc phản đối chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo sang tố cáo Trung Quốc xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.

Kết luận đưa ra là tranh chấp này chỉ phát sinh khi mối quan hệ Trung-Việt trở nên xấu đi. Về khía cạnh lịch sử như đã nói Trung Quốc có bằng chứng vững chắc hơn Việt Nam để chứng minh là nước khám phá đầu tiên và có chủ quyền đối với các quần đảo. Ngoài ra, ngư dân Trung Quốc còn cư trú và buôn bán tại đây dù không thực thi chủ quyền liên tục hoặc kiểm soát cho đến đầu những năm 1990. Việc người Pháp chiếm đóng hai quần đảo từ 1933-1938 đã không kéo dài đến những năm sau chiến tranh sau khi Nhật Bản chiếm đóng từ 1939-1945. Đúng hơn là chính Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo từ 1946-1950. Ngoài ra như đã đề cập Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm đảo T’aip’ing tại Trường Sa từ 1956. Dù Nam Việt Nam đã quấy rối ngư dân Trung Quốc và tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam vào năm 1959 nhưng không có sự chiếm đóng thực tế, Trung Quốc đã lập lại tuyên bố phản đối. Năm 1973 quân Nam Việt Nam đã đổ bộ lên một trong các đảo tại Hoàng Sa nhưng Trung Quốc đã đánh bật khỏi vào năm 1974. Cuối cùng, việc Việt Nam chiếm 6 đảo tại Trường Sa từ 1974 là một sự thực thi chủ quyền mới đối với các đảo chứ không phải là một sự thực thi chủ quyền liên tục. Trong tình huống này, thật khó để xem việc Pháp chiếm đóng từ 1933-1930 là “hành động chủ quyền cuối cùng và quyết định” theo đòi hỏi của luật quốc tế. (46) Có vẻ như Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo mạnh hơn so với Việt Nam.

Tranh chấp kéo dài rất khó có thể giải quyến bằng tranh cãi. Tuy nhiên hiện nay đây không phải là một vấn đề cấp thiết. Tranh chấp biên giới đầu 1979 trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều và đã góp phần lớn làm nổ ra cuộc chiến 1979.

Vịnh Bắc Bộ và Xung đột Biên giới

Không giống như tranh chấp liên quan đến đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tranh chấp tại Vịnh Bắc Bộ và khu vực biên giới không có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Trung Quốc và Việt Nam đôi khi vẫn có tranh cãi về Hiệp ước 1887.

Hai hội nghị về vấn đề biên giới ở cấp độ thứ trưởng ngoại giao đã được tổ chức. Hội nghị đầu tiên tổ chức và tháng 8 và tháng 11 năm 1974 tại Hà Nội về phân định Vịnh Bắc Bộ. (47) Những cuộc hội đàm này chỉ lăm tăng thêm tranh cãi gay gắt.

Trong vấn đề Vịnh Bắc Bộ, lập trường của Hà Nội ngày càng trở nên cứng rắn vào những năm 1970. Tháng 12 năm 1973 sau khi Hà Nội đưa ra đề xuất với Bắc Kinh về Vịnh Bắc Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng vùng biển tại Vịnh Bắc Bộ “chưa được phân định…vì Việt Nam luôn ở trong thời kỳ chiến tranh”. (48) Có thể ông muốn ám chỉ quyết tâm của Việt Nam muốn đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ trong hội nghị sắp tới vào năm 1974, nhưng ông không thể phủ nhận rằng Vịnh Bắc Bộ vẫn chưa được phân định vào năm 1973. Nhưng trong hội nghị đầu tiên vào tháng 8 năm 1974, Việt Nam thay đổi lập trường và tuyên bố rằng đường ranh giới trên vịnh “đã được phân định từ rất lâu” bởi qui định của Hiệp ước 1887; đường ranh đó là kinh độ 180 độ, 3 phút, 13 giây đông. Khẳng định của Hà Nội sẽ giúp Việt Nam có được 2/3 diện tích Vịnh Bắc Bộ.

Trung Quốc không đồng ý. Những nhà đàm phán Trung Quốc lập luận rằng Hiệp ước Pháp-Thanh 1887 về Phân định Biên giới qui định đường đỏ chỉ là chỉ dấu chủ quyền đối với các đảo ngoài khơi chứ không phải là “đường ranh giới trên biển” trong vịnh. Ngoài ra theo Trung Quốc cụm từ “Vịnh Bắc Bộ” không xuất hiện trong bản hiệp ước và bản hiệp ước không có đính kèm bản đồ bao gồm toàn bộ vịnh. Trung Quốc gọi tuyên bố của Việt Nam là “một lối diễn giải không tưởng về bản hiệp ước”. (49)

Sau hội nghị đầu tiên, Trung Quốc đưa ra nhiều đề xuất cho hội nghị lần hai. Cuối cùng Việt Nam cũng chấp thuận và hội nghị lần hai tổ chức vào tháng 10 năm 1977. Nhưng 5 tháng trước khi diễn ra hội nghị, Việt Nam xác định vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý gồm phần diện tích lớn hơn trong Vịnh Bắc Bộ và những khu vực xung quanh Trường Sa và Hoàng Sa. Tháng 6 năm đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ chưa bao giờ được phân định một cách chính thức và Trung Quốc không chấp nhận đề xuất của Việt Nam mà theo đó Việt Nam sẽ chiếm 2/3 diện tích tại Vịnh Bắc Bộ. (50) Với rất nhiều khác biệt trước hội nghị, hội nghị tháng 10 năm 1977 đã thất bại thảm hại. Sau đó thêm nhiều đề xuất đàm phán được đưa ra. Việt Nam giữ lập trường cứng rắn trong mùa hè 1978 và nói rằng họ “quá bận rộn để đàm phán” với Trung Quốc.

Tranh chấp biên giới đã làm tình hình thậm chí còn căng thẳng hơn so với vấn đề Vịnh Bắc Bộ. Bất đồng đầu tiên xảy ra năm 1974 về những điểm chung trên tuyến đường xe lửa Việt Nam-Trung Quốc. Ban đầu Việt Nam lập luận một cách nhẹ nhàng rằng các điểm chung trên tuyến đường ra đã đặt nhằm vào năm 1954, ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam 300 mét. Hà Nội yêu cầu sửa đổi, Bắc Kinh từ chối. Sau đó, những bất đồng tương tự gia tăng về vị trí điểm nối của đường ống dẫn dầu, về các cột mốc biên giới và thậm chí là những con sông dọc biên giới. Hai bên đưa ra nhiều lời qua tiếng lại. Xô xát nghiêm trọng giữa chính quyền và nhân dân đia phương hai bên gia tăng. Sau đó vụ đổ máu đầu tiên xảy ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1977 tại Cửa khẩu Hữu Nghị, 500 lính Việt Nam đã làm hơn 50 công nhân Trung Quốc tại khu vực đường ray bị trọng thương. Một tuần sau Việt Nam khẳng định lập trường cứng rắn hơn khi tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý từ bờ biển như đã đề cập lúc trước.

Bế tắc trong đàm phán tháng 10 năm 1977 tại Bắc Kinh phản ánh chính xác sự gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới. Tuy nhiên tại cuộc hội đàm, Trung Quốc đề nghị hai bên kiểm tra lại việc sắp xếp trên toàn bộ đường biên giới theo hiệp ước biên giới Pháp-Thanh và giải quyết tất cả những tranh chấp biên giới và lãnh thổ. Sau đó Việt Nam và Trung Quốc nên ký kết một hiệp ước biên giới mới giữa Việt Nam-Trung Quốc để thay thế hiệp ước biên giới Pháp-Thanh. (51) Việt Nam bác bỏ đề xuất đó. Việt Nam lập luận rằng, “Họ (Trung Quốc) đã yêu cầu như một điều kiện tiên quyết rằng Việt Nam phải từ bỏ độc lập, chủ quyền biên giới và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường”. (52)

Hà Nội thực thi một biện pháp khác nhằm khẳng định cứng rắn lập trường về tranh chấp biên giới đó là chiến dịch “làm trong sạch khu vực biên giới” bắt đầu từ giữa năm 1977. Theo chiến dịch này tất cả những người Hoa và người thiểu số không có quốc tịch Việt Nam đều buộc phải trở về Trung Quốc. Có cảm giác rằng khi khu vực biên giới được dọn sạch thì sẽ không có diễn ra tranh chấp biên giới nữa. Nhưng trước khi khu vực biên giới được thanh lọc, những vụ xung đột bạo lực diễn ra càng nhiều hơn. Tướng Võ Nguyên Giáp được cho là đã đến thăm khu vực biên giới vào tháng 1 năm 1978 nhằm kiểm tra các cơ sở quốc phòng với sự tháp tùng của các cố vấn Liên Xô. (53) Sau khi bắt đầu trục xuất Hoa Kiều tại Việt Nam vào năm 1978, các cuộc đụng độ biên giới gia tăng nhanh chóng lên một mức độ mới như trình bày tại Bảng 3.1

Dù có những khác biệt về số liệu những vụ đụng độ theo báo cáo của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng sự gia tăng căng thẳng, đặc biệt là vào tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1978 là dấu hiệu của xảy ra khủng hoảng.

Bảng 3.1

Những vụ đụng độ biên giới Việt-Trung theo số liệu của mỗi nước:

Năm Trung Quốc Việt Nam
1974 121 179
1975 439 294
1976 986 812
1977 752 873
1978 1108 2175
1979 129

(đến ngày 12 tháng 6 năm 1979)

Nguồn: Nhân Dân Nhật Báo, ngày 14 tháng 5 năm 1979 và “SRV Memorandum” ngày 16 tháng 3 năm 1979, trang K.19

Việc ký kết Hiệp ước Việt-Xô vào ngày 3 tháng 11 năm 1979 đã xác nhận cho dấu hiệu này. Ngày 10 tháng 11 Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo cứng rắn cho Việt Nam về sự gia tăng xung đột biên giới.

Hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Việt Nam gấy rối loạn tại biên giới Việt-Trung trước khi tăng cường xâm chiếm Campuchia và tham gia liên minh quân sự với Liên Xô. Chúng ta cần phải hỏi chính quyền Việt Nam? Việt Nam sẽ đi đến đâu? Và đi bao xa?…Nhân dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trung Quốc nghiêm khắc cảnh báo Việt Nam: hãy dừng ngay hành động tội ác ..chấp dứt khiêu khích và những hoạt động dọc biên giới Việt-Trung. (54)

Cảnh cáo và phản đối liên tục được đưa ra. Khi đụng độ tại biên giới tiếp tục gia tăng. Tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trầm trọng hơn bởi một vấn đề dể gây xúc cảm là việc Việt Nam trục xúc người Hoa.


Trả lời

  1. […] phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ […]

  2. […] phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ […]

  3. […] 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn […]

  4. […] 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn […]

  5. […] phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục