Đăng bởi: nguyenyenson | 05/01/2011

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo)

Kinh C. Chen
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ
Hoa Kiều tại Việt Nam 

Hoa Kiều tại Việt Nam, cũng giống như ở những quốc gia Đông Nam Á khác, chủ yếu đến từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. (55) Dưới đời nhà Tống (960-1279), người Hoa phát triển mạnh mẽ hải quân và giao thương tại miền duyên hải Nam Trung Hoa, thúc đẩy thương mại tại Đông Nam Á. Theo những bằng chứng có sức thuyết phục, thương nhân Trung Hoa đã có mặt nhiều tại những chợ và hải cảng ở Vịnh Thái Lan vào thế kỷ thứ 13, trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 13, người Hoa liên tục đi đến Campuchia, nơi bao gồm phần lớn diện tích của miền nam Việt Nam ngày nay. (56) Trong thời nhà Minh (1368-1644), người Hoa đến Việt Nam vì mục đích giao thương và định cư, số lượng khác đến Việt Nam trong thời nhà Thanh (1644-1911). Sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840-1842), sự rối loạn tại Trung Hoa và sự thịnh vượng tại Đông Nam Á đã thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy người Hoa đổ về Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam. Động cơ chính của việc di dân là kinh tế.

Tổ chức

Trong suốt những thế kỷ qua, cộng đồng người Hoa tại Việt Nam và ở những nước Đông Nam Á khác đã hình thành nên nhiều đặc tính khác nhau. Đầu tiên, tư duy kinh tế và khả năng làm việc chăm chỉ đã giúp họ đạt được vị thế kinh tế tại Việt Nam. Phần lớn định kỳ hoặc gửi tiến một cách có hệ thống về lại Trung Quốc. Thứ hai, họ truyền tải những di sản văn hóa của mình bằng cách mở các trường học người Hoa và xuất bản báo chí bằng tiếng Hoa. Một số người giàu có hoặc cha mẹ có định hướng giáo dục cũng gửi con cái trở về lại Trung Hoa để học tập trước khi được gửi đến Tây Âu học ở những bậc cao hơn. Thứ ba, nhìn chung họ duy trì hôn nhân trong cùng sắc tộc. Hôn nhân ngoài sắc tộc chỉ là lựa chọn thứ hai, một vài người kết hôn với người không phải người Hoa vì lý do kinh tế hoặc di trú. Thứ tư, họ không nắm quyền lực chính trị, một phần vì họ không phải là những con người chính trị, phần khác vì người Hoa chỉ là một sắc dân thiểu số. Họ cũng không sản sinh ra những nhà lãnh đạo quân đội. Tư tưởng truyền thống của người Hoa là “hảo tử bất tân binh” (một chàng trai tốt sẽ không phải là một người lính), tư tưởng này vẫn chiếm ưu thế trong cộng đồng người Hoa. Khi người Hoa buộc phải gia nhập quân đội như công dân Việt Nam, họ sẽ tìm cách để miễn quân dịch thông qua những quan chức Việt Nam tham nhũng hoặc tham gia lực lượng lính gác của Sài Gòn hơn là chiến đấu ngoài mặt trận. (37)

Về chính trị, việc người Hoa ủng hộ chính quyền Nam Việt Nam đã chứng kiến một sự thay đổi lớn vào năm 1965. Trước 1965, chỉ khoảng một nửa trong số 1,3 triệu người Hoa ủng hộ chế độ Sài Gòn (chế độ chống cộng sản). Sau 1965, đặc biệt là sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, lực lượng người Hoa chống cộng gia tăng lên 75-80%. (38) Lý do rất đơn giản: người Hoa cũng như phần đông người Việt từ 1965-1968 đã có cơ hội tốt hơn để quan sát và chứng kiến chính sách thật sự của cộng sản là gì. Tuy nhiên, một phần nhỏ người Hoa, phần lớn là thế hệ trẻ, vẫn gia nhập Việt Cộng. Họ tham gia đe dọa, ám sát và chiến tranh du kích. Đương nhiên những phần tử chống cộng là mục tiêu của họ. Dù người Hoa có những hội đoàn kinh tế xã hội được tổ chức tốt nhưng những hội đoàn này là để người Hoa gia nhập chứ không phải để kiểm soát hành vi chính trị của người Hoa. Trong phần lớn trường hợp, thông lệ này không mang lại hiệu quả. Trước 1975, chỉ có 5 dân biểu gốc Hoa trong chính quyền Sài Gòn. Không ai trong số đó có thực quyền. Do những đặc tính trên, người Hoa vẫn duy trì một vị thế phức tạp tại Việt Nam. Một mặt họ có đóng góp lớn vào đất nước, mặt khác họ không hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Việt Nam. Họ giữ đặc trưng cơ bản của mình và có địa vị kinh tế tốt hơn so với người Việt. Đặc tính đó cũng làm người Hoa trở thành một vấn đề tại Việt Nam (cũng như ở những nước Đông Nam Á khác). Hoàn cảnh này được kết hợp bởi những thay đổi mạnh mẽ trong chính quyền và xã hội sau khi Bắc Việt giải phóng Nam Việt Nam.

Trước tháng 4 năm 1975, nhiều tổ chức phi chính phủ và tổ chức kinh tế xã hội được thành lập vững chắc trong cộng đồng người Hoa. Trên cơ sở khác biệt về ngôn ngữ và địa lý, người Hoa được chia thành 5 nhóm (bang hội) bao gồm Bang Quảng Đông (nhóm Quảng Đông và Quảng Châu), Bang Phúc Kiến, Bang Triều Châu, Bang Khách Gia và Bang Hải Nam. (99) Mỗi bang thành lập các hội đoàn riêng tại cả Sài Gòn và Chợ Lớn và bầu ra chủ tịch bang (người chỉ huy của bang). Nói cách khác, có tất cả 10 bang tại khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Thành viên của bang bao gồm tất cả mọi thành phần trong xã hội. Mỗi bang có riêng trường học, bệnh viện và câu lạc bộ thể thao người Hoa. Họ xuất bản 11 tờ báo tiếng Hoa phục vụ cho khoảng từ 1,2 đến 1,4 triệu người Hoa tại Nam Việt Nam, nhưng việc xuất bản không được các bang ủng hộ hay tài trợ. Trên các bang là Cơ quan Quản lý Khu vực người Hoa. Thực ra cơ quan này có thể được gọi là Tổng hội đồng của 10 bang tại Sài Gòn và Chợ Lớn. Đó là một tổ chức hoạt động hiệu quả và giàu có. Ngoài ra, người Hoa còn thành lập Phòng thương mại người Hoa tại Nam Việt Nam phục vụ cho cộng đồng người Hoa và hoạt động kinh doanh khắp miền nam, tương tự như Phòng thương mại tại Hoa Kỳ. Việc thành lập (Hội đồng Bang) căn cứ trên các nhóm ngôn ngữ và địa lý còn việc thành lập Phòng thương mại căn cứ trên hoạt động kinh doanh. Các bang cùng tồn tại độc lập trên cơ sở bình đẳng dưới chính phủ Nam Việt Nam. (60) Để nhìn nhận rõ hơn, vui lòng xem Biểu đồ 3.1.

Có ba điểm quan trọng cần phải nhấn mạnh ở đây. Thứ nhất, những bang hội này đã tổ chức người Hoa thiểu số vào những cơ quan thống nhất về mặt xã hội, gần như không ai đứng ngoài tổ chức của cộng đồng người Hoa. Theo truyền thống người mới đến phải báo cáo với bang của mình và gia nhập bang. Mặc dù không có thông lệ cụ thể về việc đăng ký dân số nhưng mỗi bang đều theo dõi số lượng dân số của mình. Ngoài chức năng là một tổ chức xã hội, các bang còn có chức năng duy trì lễ nghi và tục lệ. Thứ hai, hoạt động kinh doanh phần lớn dựa trên cơ sở cá nhân, bang hội không kiểm soát vấn đề này. Hợp tác và trợ giúp lẫn nhau diễn ra thường xuyên hơn trong mỗi bang hơn là giữa các bang. Hợp tác và cạnh tranh đã thúc đẩy doanh thương phát triển. Hầu hết đều thành công nên đã giữ vị thế độc quyền kinh tế tại Nam Việt Nam. Thứ ba, có hơn 11 tờ báo tiếng Hoa tại Sài Gòn Chợ Lớn và 34 trường tiểu học và trung học tại khu vực này. Mục đích là để khuyến khích những di sản văn hóa của người Hoa. Dù một số người Việt gốc Hoa trẻ tuổi cũng tham gia trường quân sự Việt Nam, nhưng không có người nào là chỉ huy quân sự. Do đó cộng đồng người Hoa có khả năng thúc đẩy và duy trì con người về văn hóa nhưng không tạo ra những nhà lãnh đạo về chính trị và quân sự. Kết quả là cộng đồng người Hoa thậm chí gần như không có quyền lực để chống chọi trước những cơn bão tố trên chính trường Việt Nam, chứ đừng nói việc chống chọi lại cuộc cách mạng thay đổi triệt để do người Việt tạo ra.

Tại miền bắc Việt Nam, hàng trăm ngàn Hoa Kiều đã di cư vào miền nam sau khi đất nước bị phân chia tháng 7 năm 1954. Năm 1955, Bắc Kinh và Hà Nội đồng ý rằng người Hoa tại miền bắc sẽ từng bước được nhập tịch. Họ phải được đối xử như những người Việt Nam. Vào năm 1978 có khoảng 300.000 người Hoa sinh sống tại miền bắc Việt Nam.

Tại miền nam, những cơn bão chính trị chống lại người Hoa được tạo ra bởi hai động cơ chính là kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Vào năm 1954, sau khi Ngô Đình Diệm, người sau này trở thành tổng thống Nam Việt Nam, cũng cố quyền lực tại miền nam, ông đã ban hành một nghị định yêu cầu tất cả người Hoa phải từ bỏ quốc tịch Trung Quốc và nhập quốc tịch Việt Nam nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam. Vào tháng 4 năm 1957, chế độ Ngô Đình Diệm tuyên bố thêm rằng tất cả thẻ căn cước ngoại kiều của người Hoa đều không còn hiệu lực. Người Hoa không có quyền để phản kháng. Họ chấp nhận những biện pháp này một cách miễn cưỡng. Một số người bày tỏ chính sách bất hợp tác bằng cách đóng cửa kinh doanh trong một thời gian. Rõ ràng người Hoa đã chịu tổn thất lớn, nhưng chính phủ cũng mất một khoảng tiền đóng thuế đáng kể.

Người Hoa đã có được một giai đoạn phát triển kinh tế từ 1963 đến 1975. (62) Tuy nhiên sau khi Cộng Sản chiếm Nam Việt Nam, lợi tức của họ đã trở thành mục tiêu tấn công của người Việt. Tờ luận thuyết hàng tháng Tạp chí Cộng Sản của Hà Nội đã cáo buộc:

Đến cuối 1974, họ [người Hoa] đã kiểm soát hơn 80% lương thực, may mặc, hóa chất, công nghiệp xây dựng và điện năng, và gần như độc quyền về giao thương-chiếm 100% về môi giới, hơn 50% về bán lẻ và 90% về xuất nhập khẩu thương mại. Họ hoàn toàn kiểm soát việc mua lúa gạo và nắm 80% tiền cho vay trên toàn miền nam. Họ sở hữu 42 trên tổng số 60 công ty có doanh số hàng năm lơn hơn 1 triệu đồng tiền chế độ cũ và đầu tư của họ luôn luôn chiếm 2/3 tổng số đầu tư hàng năm ở miền nam.

Dù có sự thổi phòng trong cáo buộc trên, nhưng người Hoa đã nắm giữ phần quan trọng trong nền kinh tế miền nam trước 1975 như đã đề cập. Tình hình này sẽ trở thành một điều không thể bỏ qua được dưới chế độ mời, nơi mà chính sách kinh tế không cho phép tư hữu và ý thức chủ nghĩa dân tộc và sự căm phẫn với Trung Quốc là rất lớn trong thời điểm đó. Việc thanh lọc sự giàu có của người Hoa và thay đổi địa vị của họ là không thể tránh khỏi. Bi quan trước viễn cảnh tình hình Việt Nam, nhiều người Hoa giàu có đã lặng lẽ rời khỏi Sài Gòn trước ngày thành phố sụp đổ vào cuối tháng 4 năm 1975.

Những biện pháp mới và Hoa Kiều giai đoạn 1975-1978

Nhìn lại quá khứ chúng ta nhận thấy rõ ràng là từ 1975-1978 chính phủ Việt Nam thống nhất đã tiến hành một loạt những biện pháp chuyển đổi kinh tế xã hội tại miền nam Việt Nam và gần như những biện pháp này chỉ nhằm đánh vào cộng đồng người Hoa. Theo trình tự thời gian, những biện pháp đó gồm phong trào đánh tư sản mại bản (1975), cải cách tiền tệ (1975, 1978) chuyển đổi sang xã hội chủ nghĩa đối với tư hữu và thương mại (1978). Những biện pháp này áp dụng cho tất cả người Việt tại miền nam (cải cách tiền tệ cũng được áp dụng tại miền bắc), chứ không chỉ áp dụng đối với Hoa Kiều. Tuy nhiên, phần lớn Hoa Kiều là những doanh nhân giàu có hoặc tư sản mại bản. do đó họ trở thành những mục tiêu chính làm bùng nổ tình cảm chủ nghĩa dân tộc của người Việt. Việc trục xuất Hoa Kiều là biện pháp có ảnh hưởng nhất gần như chỉ nhằm để quét sạch cộng đồng người Hoa trên toàn cỏi Việt Nam.

Phong trào đánh tư sản mại bản 1975

Sau khi chiếm Sài Gòn tháng 4 1975, chính quyền Việt Nam lập kế hoạch thanh trừng sự giàu có của cộng đồng doanh nghiệp. Vào tháng 7 và tháng 8 năm 1975, chính quyền tuyển mộ hàng trăm thanh niên trẻ kể cả những sinh viên gốc Hoa để huấn luyện về tư tưởng trong một thời gian ngắn. Khóa huấn luyện tập trung học tư tưởng Mác về đấu tranh giai cấp và nhằm để thanh trừng những phần tử bóc lột, giàu có, phản động và tư sản mại bản.Tất cả người Hoa giàu có được xác định thuộc vào nhóm này và phải đăng ký với chính quyền. Khi đã hoàn tất việc huấn luyện và chuẩn bị, chiến dịch đầy mạnh mẽ đẵ bắt đầu từ ngày 5 tháng 9 tại Sài Gòn-Chợ Lớn cũng như tại một số thành phố khác ở miền nam. Những cuộc biểu tình và mít-ting rộng lớn được tổ chức hàng ngày. Truyền thông không ngừng lên án tội ác của tư sản mại bản, cáo buộc họ độc chiếm thị trường, thao túng giá cả, tích trữ hàng hóa và mua bán vàng và đô la trái pháp luật. Cuộc vận động vừa hào hùng vừa đáng sợ, nó đáng sợ đối với những người giàu, đặc biệt là người Hoa và nó hào hùng đối với những người trẻ tuổi, những người ảo tưởng về một xã hội tốt đẹp hơn dưới chế độ cộng sản.

Chiến dịch rộng lớn kéo dài trong 5 ngày. Sau đó cơn bão bắt đầu nổi lên. Từ 10 giờ tối ngày 9 tháng 9, nhiều nhóm cảnh sát trang bị vũ khí, nhân viên an ninh và những thanh niên qua đào tạo đã tiến chiếm một số công ty, cửa hàng, nhà máy và nhà ở của những doanh nhân người Việt lẫn người Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Những thanh niên gốc Hoa hỗ trợ các nhóm này trong việc phiên dịch và xác minh. Họ bắt giữ các doanh nhân hoặc tạm giam (trong một hoặc hai ngày). Khi đó họ lục soát và hoàn tất hồ sơ về hàng tích trữ và tài sản, gồm đô la Mỹ, vàng thẻ, kim cương, hàng hóa, xe cộ, tủ lạnh, ti vi, nội thất và cả quạt máy. Họ lục soát tỉ mỉ từ phòng khách đến đền cái lư hương bé nhỏ, để không thiếu sót dù chỉ là “một cây kim hay sợi chỉ”.

Không phải đến tận sáng ngày hôm sau khi chính phủ ban hành bản thông cáo 14 điểm về chiến dịch. Bản thông cáo cáo buộc tư sản mại bản đã “phá hoại nền kinh tế, độc chiếm thị trường và tích lủy giàu có bằng xương máu của đồng bào”. Bản thông có cũng nói rằng nhân dân yêu cầu nhà nước cần phải áp dụng những biện pháp khắt khe đối với họ. (65) Trong điểm thứ tư và thứ năm, bản thông cáo đưa ra khả năng xung công nhưng cơ sở kinh doanh và tài sản:

4. Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức mình để khuyến khích và giúp đỡ tư sản đóng góp vốn, hiểu biết kỹ thuật và tài năng để tham gia xây dựng các vùng kinh tế mới.

5. Trong một số trường hợp đặc biệt, tư sản có thể bán sản phẩm và cơ sở kinh doanh cho nhà nước. Nhà nước sẽ đánh giá và xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

Trong ngày hôm đó, phát ngôn viên Ủy ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố chính quyền đã ra lệnh bắt giữ một số phần tử tư sản “sai trái”; chính quyền cũng ra lệnh kê biên tất cả tài sản của họ. (66) Cũng trong ngày đó, tờ Sài Gòn Giải Phóng đăng bài xã luận nói rằng bọn tư sản mại bản đã thông đồng với bọn xâm lược Mỹ và chính quyền bù nhìn. Máu của “đổng bào chúng ta” càng đổ ra, thì sự giàu có của chúng càng gia tăng hơn. Chúng đã trở thành “những ông vua”, như vua lúa gạo, vua thép gai, vua xây dựng, vua café và vua sắt thép. Tội ác của bọn chúng là “cực kỳ nghiêm trọng và hoàn toàn không thể dung tha”, tờ nhật báo cáo buộc đầy giận dữ. Phải “cương quyết than trừng” bọn chúng. Ngày 12 tháng 9, thêm nhiều ông vua nữa bị bắt. Những vụ bắt giữ cũng được tiến hành ở nhiều thành phố khác. Tờ Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục công kích tư sản mại bản, Đài phát thanh Hà Nội nói rằng người Hoa đã chào đón chiến dịch này. (68) 

Chiến dịch này kéo dài đến đầu tháng 10, gần một tháng. Về lý thuyết cả tư sản người Hoa và người Việt đều là mục tiêu. Nhưng trong thực tế người Hoa chịu tổn thất lớn nhất. Nhưng có bao nhiều công ty của người Hoa hay cửa hàng bị lục soát và “làm tê liệt”? và có bao nhiêu nhà tư sản người Hoa bị bắt giữ? Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ công bố một con số chính xác. Không cách gì để biết chắc chắn. Tuy nhiên sau đó người ta biết rằng có ít nhất 100 công ty của người Hoa đã bị lục soát một cách kỹ lưỡng chỉ trong một đêm, ngày 9 tháng 9, và hơn 250 người Hoa giàu có đã bị bắt trong suốt chiến dịch. Một số đã tự sát. Tài sản vô chủ kể cả nhà cửa đều bị tịch thu ngay lập tức. Những người bị bắt gồm chủ tịch và/hoặc chủ sở hữu các công ty kinh doanh bột ngọt, kim loại, bột mì, rạp hát, xuất nhập khẩu, dệt, giấy, nhà hàng và đồ sắt. (69) Phần lớn trong số họ được thả ra trước 1979 sau khi đã đóng góp vốn liếng và cơ sở kinh doanh cho nhà nước. Đối với những nhà lãnh đạo chính trị phản động, lãnh đạo văn hóa-giáo dục, họ là một trong số những nhóm đầu tiên trở thành tù nhân hoặc thất nghiệp.

Như đã đề cập, đầu tháng 4 năm 1975, một số lãnh đạo cộng đồng người Hoa đã rời Việt Nam ra nước ngoài. Sau tháng 5 năm 1975, thêm nhiều lãnh đạo bang hội khác ra đi. Những lãnh đạo ban đầu gần như không còn tồn tại. Sau đó chính quyền cách mạng chiếm tòa nhà văn phòng của Tổng hội và Tổng hội đồng, rồi là câu lạc bộ của các bang và đóng cửa 11 tờ báo tiếng Hoa. Chính quyền cũng chiếm luôn Bệnh viện đa khoa Sùng Chính vào đầu 1976 và 5 bệnh viện khác của các bang vào tháng 1 năm 1978.

Cải cách tiền tệ, 1975 và 1978 

Từ khi giải phóng Sài Gòn năm 1975 đến khi xảy ra chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, chính quyền Việt Nam đã tiến hành hai đợt cải cách tiền tệ (đổi tiền-ND). Lần đầu vào tháng 9 năm 1975 tại miền nam Việt Nam, lần thứ hai vào tháng 5 năm 1978 trên toàn quốc. Cuộc cải cách năm 1975 nhằm chuyển đổi đồng tiên tư bản của Sài Gòn thành đồng tiền xã hội chủ nghĩa và để thực thi chính sách thiết lập ra một xã hội quân bình bằng cách giảm đáng kể sự giàu có của người dân tại miền nam. Cuộc cải cách năm 1978 được thực thi theo chính sách thúc đầy đoàn kết dân tộc và thanh trừng những phần tử trục lợi sau chiến tranh, đó là những doanh nhân và người buôn bán lẻ. Tuy nhiên cả người Hoa và người Việt đều chịu tổn thất nặng nề từ những cuộc cải cách này.

4 giờ chiều ngày 21 tháng 9 năm 1975, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thông báo qua đài phát thanh cho tất cả người dân rằng họ phải trở về lúc 11 giờ tối (giờ giới nghiêm là từ 11 giờ tối đến 5 giờ sáng) để đợi lắng nghe một thông báo quan trọng của chính quyền. Lúc đó nhiều bà vợ của những cán bộ Việt Nam đổ xô ra chợ để mua quần áo, lương thực, rượu ngoại và nhiều hàng tạp phẩm khác. Tiếng đồn càng lên cao. Ngay sau 11 giờ tối, đài phát thanh thông báo gia hạn giờ giới nghiêm thêm 6 tiếng đồng hồ vào ngày 22 tháng 9, tức đến 11 giờ sáng. (70) Ba tiếng sau (2 giờ sáng, ngày 22 tháng 9) Chính quyền Cách mạng cấp tỉnh tuyên bố một cuộc đổi tiền. Sau đó Ủy ban Quân quản thành phố Hồ Chí Minh lý giải rằng việc gia hạn thêm giờ nhằm giúp người dân có thể chuẩn bị cho việc đổi tiền. (71)

Sáng ngày 22 tháng 9, Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông cáo về đổi tiền. Bản thông cáo có thể được tóm lược như sau:

1. Tỷ lệ trao đổi giữa tiền mới và tiển cũ (đồng) là 1 đồng tiền mới đổi 500 đồng tiền cũ;
2. Mỗi hộ gia đình có thể đổi 100.000 đồng tiền cũ (tương đương 200 đồng tiền mới) để dùng cho những nhu cầu sinh sống hàng ngày.
3. Những gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ có thể đề nghị đổi thêm 100.000 đồng tiền cũ, và phải chờ có chấp thuận.
4. Những tổ chức kinh doanh lớn có thể đổi từ 100.000 đến 500.000 đồng tiền cũ. Nếu thật sự có nhu cầu, mỗi công ty kinh doanh lớn có thể đổi thêm tối đa 500.000 đồng tiền cũ.
5. Số tiền cũ còn lại (từ 100.000 đến 100 triệu đồng hoặc lớn hơn) phải đổi sang tiền mới và nộp vào ngân hàng.
6. Tất cả việc đổi tiền phải kết thúc lúc 11 giờ tối ngày 22 tháng 9.
7. Những ai vi phạm các qui định này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những người đang nắm giữ tiền cũ, đặc biệt là Hoa Kiều, phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một số chỉ còn biết bán hàng hóa hay thiết bị kinh doanh với một cái giá thấp không tưởng cho những cán bộ Bắc Việt dưới áp lực rất lớn của phong trào đánh tư sản bắt đầu từ ngày 10 tháng 9. Nếu họ đổi thêm 100.000-500.000 tiền cũ (tương đương 200-1.000 đổng tiền mới) và gửi số tiền đó vào ngân hàng thì họ lo ngại sẽ bị xác định vào dạng tư sản mại bản, nhưng nếu họ giữ lại số tiền cũ còn lại mà không còn giá trị nữa, thì họ sẽ bị trừng phạt nếu bị phát hiện. Đứng giữa những sự hổn loạn lớn lao, một số đành nộp số tiền cũ còn lại, số khác nhờ người thân hay bạn bè đổi thêm tiền đồng mới, một số thì bán tiền đồng cũ cho những cán bộ cộng sản với tỷ lệ 5.000 đồng tiền cũ đổi một đồng tiền mới, có người chỉ còn biết quẳng tiền đi, cũng có người chỉ đơn giản là đốt hết số tiền vượt quá giới hạn cho phép. (73) Do đó khá nhiều doanh nhân người Hoa giàu có, những người trước đây đã đổi tiền đồng lấy vàng hay ngoại tệ với số lượng đáng kể, đã chịu tổn thất lớn chỉ trong một đêm.

Vậy còn số tiền vượt mức phải gửi vào ngân hàng thì sao? Chính quyền mất gần 6 tháng mới cho phép người gửi được rút 30 đồng tiền mới trong một tháng. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 12 năm 1976, chính quyền ra lệnh chấm dứt hoàn toàn những việc rút tiền này.

Ngay sau cuộc cải cách tiền tệ đầu tiên, chính quyền ban hành nghị định yêu cầu tất cả người nước ngoài phải báo cáo và nộp ngoại tệ vào ngân hàng. Những người từ chối không nộp sẽ có nguy cơ bị trừng phạt ngoài và bị tịch thu ngoại tệ. Kết quả là giá trị ngoại tệ tăng vọt, giá cả leo thang vượt mức kiểm soát (tỷ giá chính thức: 1 đô la Mỹ bằng 1,50 tiền đồng mới).

Hai chính sách quan trọng khác cũng gây thiệt hại cho người Hoa và người Việt được ban hành từ 1976-1977 trước khi tiến hành cuộc cải cách tiền tệ lần thứ hai năm 1978. Chính sách thứ nhất là đánh thuế nặng và chính sách kia gọi là khu kinh tế mới.

Tháng 8 năm 1976, một nghị định mới qui định rằng tất cả những người kinh doanh kể cả bán thuốc lá trên vỉa hè mà có lợi tức hơn 10% từ tháng 5 năm 1975 sẽ chịu mức thuế là 80% và qui định này có hiệu lực hồi tố. Tuy nhiên mức thuế thực tế tăng lên đến 100% do lạm phát bắt đầu từ tháng 7 năm 1976, cũng có hiệu lực hồi tố. Nói cách khác, tất cả lợi tức của doanh nhân từ tháng 5 năm 1975 phải giao lại cho chính phủ. Quyết định này “nhắm vào những người buôn bán nhỏ nói chung, nhưng chủ yếu nhắm nhiều hơn vào những triệu phú người Hoa” tại Sài Gòn và Chợ Lớn. (74) Ngoài ra chính quyền cộng sản còn ra lệnh cho doanh nhân phải trả thuế trước 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1976. Thuế được chia ra 3 cấp với 3 bậc trong mỗi cấp. Theo những cấp này, mức thuế cao nhất là 13.750.00 đồng tiền cũ (tương đương 27.500 đồng tiền mới) (75) Lợi tức của doanh nhân người Hoa gần như bị mất sạch.

Việc xây dựng những vùng kinh tế mới dựa trên một kế hoạch trong sự tưởng tượng của giới lãnh đạo Việt Nam. Đây là một phần của kế hoạch 5 năm (1976-1980). Mục đích của kế hoạch có hai phần: tái phân bổ lực lượng lao động từ những thành phố đông dân đến những vùng nông thôn không người ở và tạo ra những khu vực sản xuất lương thực và kinh tế.

Tại Đại hội 4 Đảng Cộng Sản Việt Nam giữa tháng 12 năm 1976, lãnh đạo Việt Nam chính thức công bố kế hoạch. Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã nói với những đại biểu quốc hội vào ngày 15 tháng 12 năm 1976 rằng: “Trong một tương lai gần, hơn 1 triệu người dân tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được định cư toàn bộ ở những vùng kinh tế mới ..những khu vực ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển thành một nông trường rộng lớn bao quanh thành phố cung cấp đầy đủ thực phẩm và rau quả cho thành phố.” (76) Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tuyên bố vào ngày 16 tháng 12 rằng việc phân phối lực lượng lao đông có thể lên mức 4 triệu người sẽ bắt đầu vào năm 1977. (77) Phạm Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư đảng tại miền nam, nói thêm rằng khu vực đồng bằng sông Cửu Long “sẽ sản xuất gạo và những thực phẩm khác.” (78)

Sau khi việc tái phân bổ dân cư bắt đầu, khó khăn đã nảy sinh. Người dân chỉ trích chính sách này là “phục hồi dân số miền nam bằng dân miền bắc”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên tờ Le Monde ngày 16 tháng 4 năm 1976, Phạm Văn Đồng đã bảo vệ kế hoạch này:

Chúng tôi đang đối mặt với những vấn đề phức tạp, cần phải có giải pháp cấp thiết, làm sao để những thành phố tại miền nam ít dân hơn và phục hồi “những vùng trắng” tại nông thôn…Đối với Việt Nam…vấn đề bây giờ là thiết lập và thực thi kế hoạch này theo cách thức hợp lý nhất có thể được. Đây cũng là biện pháp hiệu quả nhất và thực tế nhất để đảm sự phát triển cân bằng và đối xứng về công nghiệp và nông nghiệp tại các thành phố và vùng nông thôn, tránh ô nhiểm và xáo trộn hệ sinh thái..” (79)

Tuy nhiên thành phần nào sẽ bị tái định cư tại những vùng kinh tế mới? Họ sẽ đến những nơi nào và bằng cách thức nào? Đã chuẩn bị được những gì cho họ tại những vùng đất mới? Đã đạt được những kết quả như thế nào? Và kế hoạch đó tác động như thế nào đối với Hoa Kiều? Những người tận mắt chứng kiến đã đưa ra câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi này. (80)

Từ 1976-1977, đời sống tại thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày một tồi tệ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát và thiếu hụt lương thực được nói đến rộng rãi qua những bức thư từ lọt ra nước ngoài kể cả Hoa Kỳ từ Việt Nam. (81) Dù có tiền, người dân vẫn không thể mua lương thực và thuốc men. Hàng trăm ngàn người phải trải qua một gia đoạn cực kỳ khó khăn để kéo dài cuộc sống. Trong tình cảnh đó, những vùng kinh tế được giành cho họ. Vì thế những người định cư mới từng là viên chức, lao động tại thành thị, chủ cửa hàng và dân thất nghiệp sau chiến dịch đánh tư sản. Phần lớn họ từ thành phố Hồ Chí Minh. Số khác tự nguyện tham gia vì không thể tồn tại ở thành phố lâu hơn nửa, họ “không còn gì để bán, không có lựa chọn nào khác”. Số khác bị ép buộc phải đi vì họ là “những người không sản xuất ra của cải”. Vùng kinh tế mới được phân tại những khu vực đất đai không dùng đến, xa xôi hẻo lánh, và những khu vực miền núi kém phát triển, thường có ít chuẩn bị hoặc không có chuẩn bị gì để đón nhận những người đến định cư. Thỉnh thoảng những người mới đến bị chết bởi bom mìn còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam. Họ không có đủ nơi ở, lương thực, nước và y tế. Họ phải trải qua một đời sống thậm tệ. Một vị linh mục công giáo gốc người Pháp gốc Canada, đã sống tại Việt Nam trong 28 năm mô tả:

Những gì đã diễn ra là một tháng trước khi người di cư đến, các sinh viên được gửi đến để chuẩn bị lều trại, mỗi gia đình họ lập căn nhà với bốn cọc tre lợp lá chuối…không có tường, sàn nhà là mặt đất, mưa có thể đổ vào.

Vấn đề đáng ngại hơn là tìm kiếm được nước sinh hoạt. Đời sống vô cùng khó khăn trong những vùng kinh tế mới…Bệnh sốt rét xuất hiện tràn lan và không có đủ lương thực. Về mặt chính thức, chính phủ hứa cung cấp gạo trong ba tháng cho những người khai hoang trong khi chờ đến vụ thu hoặc mới, nhưng tôi không hề biết có trường hợp nào mà chính phủ đã giữ lời hứa. (82)

Vị linh mục cũng viết rằng vào sáng sớm ông thấy hàng đoàn xe quân sự chất đầy người dân chở đi đến những vùng đất hoang sơ. “Hơn 3.000 người rời khỏi thành phố mỗi ngày”, ông viết. Đến tháng 2 năm 1977, 600.000 người đã rời khỏi Sài Gòn. Theo số liệu của chính phủ, lượng người di cư đã tăng lên 1 triệu người vào giữa tháng 4 năm 1977. Tháng 4 năm 1977, Thông tấ xã Việt Nam loan báo rằng “Khoảng vài trăm ngàn chủ cửa hàng, chủ tiệm café, nhà hàng và người bán hàng rong vẫn còn kinh doanh, buôn bán bất hợp pháp, đầu cơ, làm giá và thu nhiều được nhiều lợi tức. Tồi tệ hơn, nhiều thanh niên lười nhát làm việc, thích làm ăn bất hợp pháp hơn để kiếm sống”. Do có hơn 80% dân chúng tại Sài Gòn không làm được việc gì có ích cho nhà nước, nên họ phải đi đến những vùng nông thôn, bản thông cáo viết tiếp. Ước tính có hơn 6 triệu người nửa tại miền nam phải rời bỏ thành phố, phần lớn họ đi tới những khu kinh tế mới, thông tấn xã công bố. Nhưng nhiều người gọi những khu này là “những trại tập trung không có hàng rào”. (84)

Tháng 5 năm 1978, khoảng 300.000-350.000 người Hoa ở Sài Gòn-Chợ Lớn phải đi đến khu kinh tế mới. (85) Tất cả đều kêu ca và chịu đựng cuộc sống khắc khổ. Một số trốn chạy về lại thành phố, sống nhờ nhà của người thân hay bạn bè vì nhà cửa đã bị chính quyền chiếm đoạt khi họ ra đi. Họ liên tục tìm kiếm trợ giúp từ trong và ngoài nước thông qua bạn bè, người thân, bạn học, đoàn thể và những mối quan hệ trong cùng bang hội. Họ vật lộn để tồn tại ở thành phố. Mộ số người cố gắng rời khỏi Việt Nam trước khi chính phủ cho phép họ ra đi vào tháng 1 năm 1978. Người Hoa thường xuyên bị bắt giữ và bỏ tù.

Cuộc cải cách tiền tệ lần thứ hai diễn ra vào ngày 3 tháng 5 năm 1978. Như đã đề cập, bề ngoài là để thúc đẩy đoàn kết dân tộc, loại bỏ những phần tử tư bản trục lợi. Hà Nội hy vọng cuộc cải cách này sẽ thúc đẩy chuyển biến sang xã hội chủ nghĩa.

Theo nghị định của chính phủ, mỗi gia đình ở thành thị được phép đổi tiền cũ lấy từ 100 đến 500 phiếu ngân hàng mới, và mỗi hộ gia đình tại nông thôn được đổi lấy từ 50 đến 300 tùy vào qui mô gia đình. Công chức, đơn vị quân đội và những tổ chức kinh tế-xã hội khác được đổi lấy không quá 1.000. (86) Tỷ lệ đổi tiền là một đồng tiền miền bắc đổi một đồng tiền mới và 0.8 đồng miền nam đổi lấy một đồng tiền mới. Tất cả số tiền vược mức được chứng minh là thu nhập hợp pháp phải đổi sang tiền mới và nộp vào ngân hàng. Số tiền gửi vào ngân hàng có thể được rút ra khi người gửi có nhu cầu tiền bạc không lường trước phát sinh do đau ốm bệnh tật, sinh con, tai nạn hoặc ma chay. Việc rút tiền phải được chấp thuận. (87) Số tiền cũ vượt mức và không gửi vào ngân hàng sẽ mất giá trị sau 24 tiếng. Dù tỷ lệ đổi tiền có khác so với đợt đổi tiền năm 1975 nhưng đợt đổi tiền lần này gần như chỉ là sự lập lại.

Rút kinh nghiệm từ vụ đổi tiền năm 1975, trước 24 giờ người dân đổ xô đi mua vàng, đô la và tiền Hồng Kông còn sót lại trên thị trường chợ đen bất kể với giá nào. Một lần nửa vô số tiền cũ phải vẳng đi hoặc đốt bỏ. Nhiều người dân đã mua thực phẩm với giá cao (như 200 đồng tiền một con cá, 100 đồng tiền mới mua một con gà) và thưởng thức các món ăn chỉ trong một ngày! (88) Vài ngày sau, cảnh sát bố ráp vào nhiều nhà, mang đi nhiều thùng, giỏ đựng tiền cũ. Hơn một lần, cảnh sát đã tìm thấy hơn 10.000 đồng tiền cũ trong một ngôi nhà vì chủ nhân không thể chứng minh được họ có số tiền đó một cách hợp pháp. (89) Tủ lạnh, xe máy, bộ radio hi-fi, ti vi và những đồ dùng xa xỉ khác bị cảnh sát lấy đi. Người Việt và người Hoa chịu tổn thất nặng nề lần thứ hai.

Có thể Bắc Kinh rất quan ngại về cách đối xử với người Hoa trong đơt cải cách tiền tệ. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong vị thế có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Khi đó, chính quyền Việt Nam không nhận thức được hậu quả nên đã tiến thêm một bước nửa nhằm loại trừ những thương gia giàu có.

Chuyển đổi tư bản tư nhân, thương mại sang xã hội chủ nghĩa 1978

Giống như chiến dịch đánh tư sản 1975, chiến dịch chuyển đổi xã hội sang mô hình xã hội chủ nghĩa vào tháng 3 năm 1978 đã được chuẩn bị ít nhất một tháng trước khi tiến hành. Điểm khác biệt duy nhất trong quá trình chuẩn bị giữa hai chiến dịch này là chiến dịch chuyển đổi xã hội sang mô hình xã hội chủ nghĩa phụ thuộc nhiều vào truyền thông đại chúng và ít có những cuộc biểu tình và tuần hành rộng lớn.

Dấu hiệu đầu tiên của chiến dịch xuất hiện trên bài xã luận của báo Nhân Dân ngày 24 tháng 2. Bài báo viết rằng việc chuyển đổi này tại miền nam là “một trong những nhiệm vụ kinh tế cấp thiết cần phải tiến hành” vào năm 1978 và vì thế” chiến dịch cần phải được đẩy mạnh”. (90) Bài xã luận viết, mục đích của chiến dịch là loại trừ sở hữu tư nhân trong công nghiệp và thương mại, xây dựng và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa, bình ổn giá cả, đồng tiền, sản xuất, nghề nghiệp của nhân dân, và tăng cường an ninh chính trị. Tờ báo của đảng và chính phủ cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của quần chúng nhân dân. (91). Sau đó chiến dịch được tăng cường bởi truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 23 tháng 3 năm 1978, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành một bản thông cáo viết:

Có hiệu lực ngay lập tức, nhà nước thống nhất quảng lý thị trường và thay đổi tất cả các tổ chức kinh tế xã hội, thống nhất hoạt động kinh doanh và tổ chức phân phối đối đối với tất cả hàng hóa có tầm quan trọng đối với sản xuất xuất và sinh kế của nhân dân…

Tất cả hoạt động kinh doanh thương mại của những thương nhân tư sản đều bị cấm. Những thương nhân này sẽ được nhà nước hướng dẫn và trợ giúp để sử dụng nguồn vốn của mình sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Nếu thương nhân có trình độ chuyên môn và kỹ thuật, họ sẽ được nhà nước tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực thương mại do nhà nước quản lý nhằm phục vụ cho cách mạng. (92)

Đối với hàng hóa và cơ sở kinh doanh của thương nhân tư sản, nhà nước sẽ trưng dụng hoặc mua lại, bản thông cáo viết. (93)

Chiến dịch bắt đầu từ ngày hôm đó. Dưới tên gọi “tổng kiểm tra”, cảnh sát vũ trang và nhân viên an ninh đã đi đến tất cả công ty kinh doanh và nhà ở. Việc lục soát của họ thậm chí còn kỷ càng hơn so với chiến dịch đánh tư sản 1975. Tất cả vàng bạc, đồ trang sức và ngoại tệ đều bị tịch thu. Hàng hóa trong kho và phương tiện kinh doanh đều bị xe quân đội chở đi và gân như không hề được bồi thường. Tivi và tủ lạnh một lần nửa trở thành mục tiêu. Sau khi hàng hóa và phương tiện kinh doanh bị lấy đi, các nhà máy và công ty đều đóng cửa. Sau đó chính quyền đưa những gia đình tư sản cũ đến vùng kinh tế mới. Chiến dịch càn quét kéo dài hơn một tháng. Nhiều người Việt và Hoa Kiều đã mất hết tất cả những gì mà họ có và bị đẩy đến những vùng kinh tế mới. (94)

Cộng với đợt cải cách tiền tệ lần thứ hai vào ngày 3 tháng 3, chiến dịch chuyển đổi dường như đã đạt được mục tiêu là loại bỏ những vết tích cuối cùng của tư bản tư nhân. Không còn một thương nhân người Hoa giàu có nào tại miền nam. Một số người vẫn giữ vàng hay ngoại tệ tại những điểm bí mật, nhưng phần lớn tùy thuộc vào mối quan hệ ở nước ngoài để tồn tại và đào thoát.


Trả lời

  1. […] phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn Văn Son). Và bài dịch: Quan hệ Xô Trung và cuộc xung đột […]

  2. […] phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn Văn Son). Và bài dịch: Quan hệ Xô Trung và cuộc xung đột […]

  3. […] 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn Văn […]

  4. […] 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn Văn Son). Và bài dịch: Quan hệ Xô Trung và cuộc xung đột […]

  5. […] phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 (tiếp theo) – (x-café/ Nguyễn Văn Son). Và bài dịch: Quan hệ Xô Trung và cuộc xung đột […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục