Đăng bởi: nguyenyenson | 05/01/2011

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo)

Kinh C. Chen
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ
Đối đầu với Trung Quốc 

Sau khi Bắc Kinh từ chối đề xuất của Liên Xô cuối năm 1965, Liên Xô tích cực nâng cao vị thế của Lê Duẩn. Matxcova từng bước thành công trong việc xây dựng Lê Duẩn trở thành nhà lãnh đạo mới, mạnh mẽ và thân Liên Xô tại Hà Nội sau Hồ Chí Minh. Câu hỏi làm thế nào Matxcova lôi kéo được Lê Duẩn có thể trả lời bằng những nguyên do chính như sau: viện trợ ồ ạt của Matxcova cho Hà Nội; không có những bất ổn lớn trong nước làm gián đoạn sự ủng hộ của Liên Xô cho Việt Nam, như Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc; Trung Quốc cương quyết ngả về hướn quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ; và Liên Xô muốn dung dưỡng vai trò lãnh đạo của Lê Duẩn. Kết quả là Lê Duẩn được vinh dự tung hô tại Đại hội lần thứ 23 Đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1966, điều này Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ giành cho Lê Duẩn. Đáp lại, Lê Duẩn tuyên bố Liên Xô là quê thương thứ hai của mình, cụm từ mà Lê Duẩn chưa bao giờ giành cho Trung Quốc. Khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Lê Duẩn xây dựng vững chắc vai trò lãnh đạo thân Liên Xô tại Hà Nội.

Sau khi giải phóng Sài Gòn, Matxcova tiếp tục chiến dịch chống Bắc Kinh. Cuối tháng 5 năm 1975, tàu chở dầu Liên Xô lần đầu tiên cập cảng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cấp thiết cho Sài Gòn, nơi xăng được bán với giá 8 đô la Mỹ một gallon54. Trong lúc đó, Liên Xô tăng cường nhanh chóng ảnh hưởng tại Lào. Cố vấn Liên Xô tăng từ 100 người vào tháng 6 năm 1975 lên khoảng 500 người vào tháng 10 năm đó.

Với việc kết hợp chương trình kinh tế hàng năm và Kế hoạch 5 năm (1976-1980), Việt Nam đến Trung Quốc và Liên Xô từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1975 để tìm kiếm viện trợ. Vốn không hài lòng với mối quan hệ gần gũi của Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc chỉ cấp cho Việt Nam một mức viện trợ thông thường vào khoảng 200 triệu đô la Mỹ trong năm 1976. Bắc Kinh không giành khoản viện trợ nào cho Kế hoạch 5 năm. Thực ra, bằng việc gửi thông báo chính thức cho Hà Nội vào tháng 2 năm 1977, Trung Quốc đã không cung cấp viện trợ mới cho Việt Nam từ năm đó.55 Tuy nhiên, hai ngày trước khi ký kết thỏa thuận viện trợ năm 1975 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kiều Quán Hoa đã nói tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 27 tháng 9 trong đó ông cáo buộc Liên Xô thu hút ảnh hưởng ở Đông Dương và cảnh báo các nước Châu Á đừng bao giờ “để hổ luồn vào cửa sau trong khi cố đẩy lùi sói ở cửa trước”. Sau khi ký kết thỏa thuận, Lê Duẩn, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Trung Quốc, đã vội vã đi Maxtcova. Lê Duẩn cho thấy không cần thiết phải đợi thêm hai ngày nửa để dự kỷ niệm ngày thành lập CHND Trung Hoa ngày 1 tháng 10.

Tại Maxtcova, Lê Duẩn đạt được một mức viện trợ cực kỳ ấn tượng vào tháng 11 năm 1975. Ba tháng sau người ta mới biết được chi tiết của khoản viện trợ này. Những nhà phân tích Tây phương cho rằng mức viện trợ là 500 triệu đô la Mỹ trong năm 1976 và 3 tỷ đô la Mỹ cho Kế hoạch 5 năm.56 Theo thỏa thuận, Liên Xô sẽ giúp Việt Nam tài trợ cho 40 dự án gồm nhà máy thủy điện, khai thác than, nhà máy chế biến thực phẩm và các dự án khác. Một số phân tích gia cũng nhận xét Matxcova muốn đưa Hà Nội vào Hội đồng Tương trợ Kinh tế (được biết hơn với tên COMECON). Tất nhiên, điều lớn nhất mà Việt Nam phải trả là đứng về chuyến tuyến chính trị với Liên Xô chống Trung Quốc.

Trong mối giao kết này, mối quan hệ mật thiết giữa hai đảng cộng sản có lẻ là chuyển biến quan trọng nhất giữa Matxcova và Hà Nội sau 1975. Tại Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô lần thứ 25 vào cuối tháng 2 năm 1976, trưởng phái đoàn Việt Nam, Lê Duẩn không chỉ ca ngợi Liêng bang Xô Viết là “nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất thế giới” mà còn nói nhân dân Việt Nam với sự giúp đỡ của Liên Xô sẽ xây dựng thành công một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập và thống nhất. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không gửi phái đoàn đến dự Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Xô.

Quan hệ đảng được thúc đẩy hơn nửa bằng việc tổ chức Đại hội lần thứ 4 Đảng Lao Động Việt Nam tháng 12 năm 1976 tại Hà Nội, đại hội đầu tiên sau chiến tranh. Liên Xô chứng tỏ ảnh hưởng và sự ủng hộ cho Việt Nam bằng cách gửi một phái đoàn quan trọng do Mikhail A. Suslov, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Liên Xô sang tham dự. Trong bản báo cáo dài tại Đại hội, Lê Duẩn nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm tất cả mọi nổ lực “trong khả năng cùng với những nước anh em và quốc tế cộng sản đóng góp vào việc phục hồi và củng cố khối đoàn kết quốc tế”58 Suslov dẫn đầu cuộc diễu hành các phái đoàn cộng sản nước ngoài lên lễ đài và chuyển lời cam kết của Brezhnev rằng “trong nhiệm vụ tái thiết Việt Nam, Đảng Lao Động hãy luôn luôn tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên bang Xô Viết”.

Dù có tất cả những tuyên bố này, chỉ dấu thật sự quan trọng mà Liên Xô đạt được là thành phần Bộ chính trị mới đầy quyền lực của Đảng Lao Động Việt Nam (sau Đại hội, Đảng Lao Động đổi tên thành Đảng Cộng Sản Việt Nam). Bảng 2.1 trình bày liên minh chính trị mới này.

Tất cả lãnh đạo Việt Nam đều được xem là thân Việt Nam nên cụm từ thân Liên Xô hay thân Trung Quốc chỉ nhằm để thuận tiện trong việc xác định khuynh hướng chính trị của họ trong một thời điểm nhất định.

Phe cánh chính trị trong Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, tháng 12 năm 1976

Nhóm thân Liên Xô: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh).

Nhóm thân Trung Quốc: Trường Chinh.

Nhóm trung lập (ôn hòa): Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, Võ Toàn (Võ Chí Công), Chu Huy Mân.

Không rõ lập trường: Võ Văn Kiệt.

Nguồn: Bản này được soạn ra từ những nguồn tin được biết và những nguồn tin không thật sự rõ ràng bao gồm các tài liệu sau: Nguyên cứu Tài liệu Việt Nam (Viet-Nam Documents and Research Notes), Sài Gòn 1967-1972; Lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam (Sài Gòn 1972); Vietnam Courier (Hà Nội, 1975-1978); Biểu đồ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cơ cấu Chính phủ” (Washington DC, tháng 5 năm 1974); Bộ ngoại giao Campuchia Dân Chủ, Sách đen: Việt Nam Xâm lược và Sát nhập Campuchia, Sự thật và Bằng chứng, (Campuchia, tháng 9 năm 1978); và Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, ngày 9 tháng 6 năm 1978.

Bảng này đưa ra những phân tích sau: (1) lãnh đạo thân Liên Xô chiếm đại đa số trong Bộ chính trị do Lê Duẩn đứng đầu là kết quả của những chuyển biến sau chiến tranh. Một số lãnh đạo thân Liên Xô như Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh và vài người khác không phải là thân Trung Quốc ban đầu mà là những người ôn hòa (trung lập) với cuộc đối đầu Xô-Trung. Hoàn Văn Hoan không có tên trong danh sách. Không rõ liệu Liên Xô có gây áp lực để loại bỏ Hoàng Văn Hoan hay không nhưng Hoàng Văn Hoan chính là nạn nhân trong chính sách thân Liên Xô của Lê Duẩn. Nhóm lãnh đạo thân Trung Quốc phải chuyển phe cánh để tồn tại, thậm chí Trường chính đã phải trở nên ôn hòa hơn. Sự thay đổi này cho thấy quyết tâm của Lê Duẩn chống lại sự phản kháng của phe ủng hộ Trung Quốc. (3) Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ duy trì lập trường thân Liên Xô đến khi nào Lê Duẩn và thế lực bảo hộ của ông còn nắm quyền.

Trước đại hội, Liên Xô đã tăng cường vị thế trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc lại suy giảm. Vị linh mục và là học giả người Pháp rời khỏi Việt Nam sau 1976 đã tận mắt chứng kiến và báo cáo:

Người Nga đã có mặt và rất hùng mạnh ở miền bắc và truyền hình tại Sài Gòn chỉ chiếu toàn những phim tuyên truyền của Liên Xô… Thỉnh thoảng những phim này xuất hiện hai, ba ngày một lần và được “báo chí” gồm những bài xã luận của nhật báo chính thống như tờ Sài Gòn Giải Phóng…Tiếp theo là tin tức quốc tế về “những người anh em Liên Xô và Cuba của chúng ta”, nhưng không hề có tin về Trung Quốc; người ta nghĩ Trung Quốc không hề tồn tại”.

Sau đại hội, ảnh hưởng của Liên Xô tiếp tục phát triển. Chuyên gia và cố vấn tại Việt Nam ước tính tăng từ 2.000 đến 3.000 vào giữa năm 1977 lên 5.000 đến 8.000 giữa năm 1979. Khi Tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bắc Kinh từ Matxcova đầu tháng 6 năm 1977, ông thậm chí còn công khai phản kháng Trung Quốc khi nói Việt Nam “đánh tan đế quốc Mỹ mà không cần phải chống chủ nghĩa xét lại”. Tuy nhiên, cuối năm đó, thời ký hậu Mao, Bắc Kinh đã nhiệt tình đón tiếp Tổng thống Josip Tito, cựu lãnh đạo theo chủ nghĩa xét lại hiện đại trong thời kỳ Mao.62 Ngày 20 tháng 11 năm 1977, Lê Duẩn dẫn đầu phái đoàn đảng và chính phủ sang thăm Bắc Kinh. Lê Duẩn hội đàm với Hoa Quốc Phong vào ngày 21 và 22. Hoa Quốc Phong nhắc lại vấn đề chống Liên Xô trước đây, nhưng Lê Duẩn đã không đáp lại. Sau đó Lê Duẩn vội vã về nước. Hai bên không đưa ra tuyên bố chung. Truyền thông Việt Nam đưa tin ít ỏi về sự kiện này.63 Dù không đưa ra thông tin chi tiết, nhưng Camphuchia chắc chắn là vấn đề trọng tâm trong nghị trình. Cuộc hội đàm thất bại, chỉ một tháng sau (cuối tháng 12 năm 1977), Campuchia cắt đứt quan hệ với Việt Nam. Tiếp theo sau là một cuộc chiến vi mô lớn, khi Trung Quốc ủng hộ Campuchia, Liên Xô kiên quyết đứng sau Việt Nam.

Vịnh Cam Ranh và Hiệp ước Việt-Xô

Quan hệ Việt-Trung xấu đi nhanh chóng vào năm 1978. Đầu tháng 5, Hoa Kiều bị áp lực phải rời khỏi Việt Nam. Cuối tháng 5, một tờ báo cộng sản tiếng Hoa tại Hong Kong cáo buộc Liên Xô kiểm soát Hải Phòng, Vịnh Cam Ranh và xây dựng căn cứ tên lửa gần Hương Khuê trực tiếp chống lại Trung Quốc. Đầu tháng 6, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình cho biết Trung Quốc đã cắt viện trợ giành cho Việt Nam.65 Đầu tháng 6, Đặng Tiểu Bình cáo buộc Việt Nam trục xuất 110.000 Hoa Kiều và tiết lộ Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam từ 1950 đến 1978 hơn 20 tỷ đô la Mỹ. Sau khi Việt Nam gia nhập COMECON theo dàn xếp của Liên Xô, tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng.

Cáo buộc trực tiếp giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên công khai vào tháng 7. Giữa tháng 7, Hà Nội công khai cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc là những kẻ phản động.66 Sự kiện này có thể được khuyến khích bởi việc Albani chỉ trích Trung Quốc vào ngày 7 tháng 7.67 Cũng trong tháng 7, Lào đã đứng về phía Việt Nam trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Trong khi đó, số lượng cố vấn Liên Xô gia tăng nhanh chóng tại Lào. Vào tháng 8, Việt Nam và Trung Quốc đàm phán về vấn đề người tị nạn nhưng cuộc hội đàm bị đổ vỡ nhanh chóng sau khi hai bên quyết liệt cáo buộc lẫn nhau. Khi đó Phạm Văn Đồng nói với một phái đoàn Hoa Kỳ tại Hà Nội rằng Việt Nam không chỉ muốn hòa giải với Hoa Kỳ mà còn muốn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.68 Tuy nhiên 10 ngày sau đó Việt Nam được cho là đã cho phép Liên Xô xây dựng căn cứ quân sự tại Vịnh Cam Ranh. Bắc Kinh xem động thái này là một sự hợp tác nhằm theo đuổi tham vọng của Liên Xô và Việt Nam: Việt Nam cần Liên Xô ủng hộ để chống lại Trung Quốc và hiện thực hóa cái gọi là “Liên bang Đông Dương”, còn Liên Xô thì muốn có Vịnh Cam Ranh. Bắc Kinh cáo buộc những hoạt động của đế quốc XHCN Liên Xô tại Đông Nam Á là “một phần trong chiến lược toàn cầu của Xô Viết”.(70)

Việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Liên Xô vào ngày 3 tháng 11 năm 1978 thực sự đã làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Trọng tâm là điều 6 của hiệp ước:

Hai nước ký kết hiệp ước sẽ trao đổi quan điểm về tất cả những vấn đề quan trọng quốc tế liên quan đến lợi ích của hai quốc gia.

Trong trường hợp một bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai nước ký kết hiệp ước sẽ ngay lặp tức hội đàm với nhau trên quan điểm nhằm loại trừ mối đe dọa đó và sẽ thực hiện những biện pháp thích hợp và hiệu quả để bảo vệ hòa bình và an ninh của hai nước.(71)

Truyền thông Việt Nam tất nhiên ca ngợi việc ký kết hiệp định là một hành động rất hữu nghị và sẽ gắn kết chặt chẽ vận mệnh của Việt Nam vào Liên Xô và là một sực xác thực về “sự hợp tác và đoàn kết to lớn giữa hai nước xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên Trung Quốc đã xỉ vả không thương tiếc bản hiệp ước. Khi sang thăm Thái Lan, Đặng Tiểu Bình gọi đây là mối đe dọa với hoàn bình, an ninh tại Châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới. Theo sau sự lên án của Đặng Tiểu Bình, báo chí Trung Quốc cáo buộc Việt Nam là “Cuba của phương đông” và lá một tiểu bá hợp tác với nước bá quyền lớn để thiết lập “Liên minh Thần thánh” tại Châu Á và bành trướng ra toàn thế giới.(73)

Về mặt chiến lược, chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng trong quan hệ hiệp ước là chuyển biến không thể tránh khỏi khi Liên Xô hiện diện quân sự tại Châu Á. Bắt đầu bằng việc sử dụng Vịnh Cam Ranh, việc mở rộng sức mạnh trên biển của Liên Xô chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế hải quân của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực74. Hà Nội xác nhận việc cho Liên Xô sử dụng Vịnh Cam vào cuối tháng 3 năm 1979. Lực lượng Xô Viết hoạt động ngoài căn cứ sẽ nằm ngay bên sườn vào đúng điểm yếu của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Hạm Đội Nam Hải triển khai quân từ những căn cứ chính tại Hoàng Phố, Trạm Giang và Ngọc Lâm. Những đơn vị hải quân Liên Xô cũng sẽ đối trọng với lực lượng không quân, hải quân Hoa Kỳ đóng tại Vịnh Subic và Clark Field tại Philipine. Điều này ảnh hưởng sâu rộng đến sự cân bằng lực lượng trong khu vực, tương lai an ninh và hòa bình sẽ đi xa hơn những gì mà Hà Nội có thể trù tính được.

Tóm lại, yếu tố Liên Xô ảnh hưởng rất lớn đến bản chất của cuộc xung đội Việt-Trung. Nếu không có quan hệ đồng minh Xô-Việt thì cuộc chiến 16 ngày giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không xảy ra. Như đã bàn luận trước đây, Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình khi liên tục giúp đỡ Việt Nam từ 1950 đến 1978, nhưng đã không suy luận rằng lãnh đạo Bắc Kinh không bao giờ có ý định viện trợ cho Việt Nam để Hà Nội xâm chiếm Campuchia và Lào và rất ít ủng hộ vào đồng minh Xô-Việt chống Trung Quốc.

Chiến đấu vì Campuchia 

Cuộc đối đầu Trung-Việt tại Campuchia không phải đến năm 1975 mới hình thành mà thật ra đã có những căng thẳng trước đó. Trong vấn đề này, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia và nguốn gốc lịch sử một lần nửa đã vượt qua ý thức hệ cộng sản chung và kết quả là đã tạo nên lập trường trái ngược nhau của hai nước về Campuchia.

Bối cảnh

Thực tế là trước đây Trung Quốc đã có một số ảnh hưởng tại Campuchia, chính quyền Trung Quốc không thực sự quá lưu tâm đến Camphuchia cho đến năm 1954.75 Như đã đề cập trước đây, tại Hội ghị Geneva Chu Ân Lai đã thuyết phục Pham Văn Đồng tuyên bố rút lực lượng Việt Minh ra khỏi Campuchia, cam kết công nhận chính phủ hoàng gia nhưng yêu cầu không nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Campuchia. Tháng 4 năm 1954, Chu Ân Lai cam kết với Hoàng thân Norodom Sihaniouk tại Hội nghị Bandung ở Indonesia rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn ủng hộ sự độc lập và trung lập của Campuchia.(76) Năm 1956, Sihanouk sang thămm Bắc Kinh và Trung Quốc cấp một khoảng viện trợ kinh tế trị giá 22.500.000 đô la Mỹ. Năm 1958, Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tiếp theo sau là hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, đường bay Quảng Đông-Phnom Penh, tăng thêm viện trợ (1960, 1965), tăng cường trao đổi văn hóa, thương mại và thêm nhiều chuyến thăm viếng lẫn nhau của Chu Ân Lai, Sihanouk và Lưu Thiếu Kỳ.( 77) Chủ yếu vì có tin cho rằng Hoa Kỳ dính líu vào cái chết của Ngô Đình Diêm tại Nam Việt Nam nên vào tháng 11 năm 1963 Sihanouk đã yêu cầu phái đoàn viện trợ kinh tế và quân sự Hoa Kỳ phải rời khỏi Campuchia. Chính quyền Trung Quốc ngay lặp tức đưa ra tuyên bố cứng rắn bày tỏ việc hoàn toàn ủng hộ Campuchia chống lại bất kỳ nguy cơ tấn công quân sự nào của Hoa Kỳ.(78) Sihanouk hoan nghênh tuyên bố đó và nói rằng nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ thì Campuchia sẽ nghèo hơn nhưng được tự do hơn. Ông cũng nói thêm rằng “nếu một ngày nào đó Campuchia bị chìm ngập bởi cộng sản thì tôi muốn đó phải là Trung Quốc chứ không phải bởi một nước [Bắc Việt] mà sẽ kiểm soát Campuchia, bởi vì Trung Quốc sẽ duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.(79)

Cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970 của Lon Nol tại Campuchia đã thúc giục Đông Dương tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhân dân Đông Dương vào cuối tháng 4 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Tạm thời Sihanouk liên minh với lãnh đạo Khơme Đỏ, Việt Nam và Pathét Lào vì sự nghiệp chung chống lại Hoa Kỳ và chế độ Lon Nol. Trung Quốc ủng hộ điều đó. Sihanouk lưu lại Bắc Kinh từ 1970 đến 1975 đóng vai trò như lãnh đạo bù nhìn của Khơme Đỏ và chính phủ lưu vong. Trong suốt 6 năm đó, Sihanouk đã nhiều lần viếng thăm Việt Nam trên đường đến hoặc từ khu vực du kích Khơme Đỏ. Ngoài ra, Trung Quốc còn cấp không vũ khí và vận chuyển đến Khơme Đỏ để chống lại chế độ Lon Nol. Trong khi đó, Khơme Đỏ tiếp tục giành nơi ẩn nấu cho Cộng Sản Việt Nam chống lại Hoa Kỳ trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam.(80) Tuy nhiên, người Khơme không bao giờ thật sự tin tưởng Việt Nam.

Về mặt lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia và khoảng cách địa lý, có vẻ Trung Quốc đã hình dung ra rằng một Campuchia độc lập và trung lập sẽ duy trì mối quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh. Đó cũng sẽ là một yếu tố đoán đầu ngăn chặn Việt Nam kiểm soát toàn bộ Đông Dương.

Vào thế kỷ 18 và 19, Campuchia nằm dưới sự ảnh hưởng của Việt Nam ở phía đông và Thái Lan ở phía tây. Khi thì Campuchia là một nước chư hầu của Việt Nam, khi khác là chư hầu của Thái Lan. Quan hệ theo kiểu cống nạp này đôi khi đã dẫn đến những cuộc xung đột với hai quốc gia xâm lược láng giềng cho tới khi người Pháp đến.82 Sau khi thực dân Pháp ký hiệp ước bảo hộ với Vua Norodom năm 1863, Campuchia vẫn tiếp tục bị mất lãnh thổ vào tay Việt Nam. Thực ra, Pháp đã tùy tiện sáp nhập một lượng lớn đất đai nơi chủ yếu là người Khơme sinh sống vào lãnh thổ của Việt Nam hiện nay.(83)

Dựa vào nền tảng này, Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930 đã nhanh chóng mở rộng và đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương (ĐCSĐD). Tháng 2 năm 1951 tại miền bắc Việt Nam, khi ĐCSĐD tái tổ chức thành Đảng Lao Động, Việt Nam cam kết thiết lập khối đại đoàn kết Việt Nam, Lào và Campuchia. Như đài phát thanh của Hồ Chí Minh đã hứa hẹn: “Đảng Lao Động Việt Nam sẽ gắn kết nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia và quyết tâm giải phóng Đông Dương”.(84)

Ngay sau khi Đông Dương giành lại độc lập từ tay Pháp năm 1954, Sihanouk tuyên bố tiếp tục chủ quyền đối với vùng đất đã bị mất tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Đàm phán và trao đổi quan điểm diễn ra trong nhiều đợt nhưng không mang lại kết quả. Trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, Cộng Sản Việt Nam đã biến khu vực biên giới Campuchia-Việt Nam thành nơi ẩn nấu có lợi ích sống còn đối với Việt Nam bất kể Sihanouk có biết hay không biết đến việc này. Năm 1967, Sihanouk yêu cầu Việt Nam tuyên bố tôn trọng biến giới hiện tại của Campuchia. Mặc dù Mặt trận Giải phóng Miền nam Việt Nam đã đáp lại lời yêu cầu này, nhưng sau đó đã diễn giải rằng những tuyên bố đó chỉ là biện pháp trong thời chiến.85 Xung đột nhỏ lẻ giữa Việt Nam-Campuchia bắt đầu từ năm 1970 dưới chế độ Lon Nol, sau đó những cuộc đụng độ đã diễn ra.(86) Từ năm 1970 đến 1975, Việt Nam cũng thi hành nghĩa vụ quốc tế giúp huấn luyện quân đội Khơme Đỏ nhằm giải phóng Phnom Penh.

Vì thế trong lịch sử, Việt Nam là một thế lực xâm chiếm Đế chế Khơme biến họ trở thành một nước chư hầu. Do sự gần gũi địa lý và quyền lợi, từ lâu Việt Nam đã có kế hoạch thiết lập một đại Đông Dương nằm dưới quyền lãnh đạo của Việt Nam.

Cuộc chiến Campuchia

Việt Nam biết Campuchia nghi ngờ tham vọng của Việt Nam muốn kiểm soát nhà nước Khơme ngay cả trong những năm hợp tác tốt đẹp nhất (1970-1975). Trong tức giận, tướng Giáp đã nói xúc động nói với Sihanouk: “Bắc Việt chúng tôi là những người cộng sản chân thật, những người luôn giữ lời. Chúng tôi hứa với ngài một cách chính thức và bằng văn bản rằng chúng tôi luôn luôn tôn trọng chủ quyền, độc lập quốc gia và lãnh thổ của Campuchia như hiện nay gồm cả những đảo ven biển. Chúng tôi sẽ không bao giờ thất hứa.” (87)

Có lẻ cả người Việt Nam và Campuchia đề thấy trước bóng đen của xung đột trong tương lai sau khi giành thắng lợi cuối cùng trước Hoa Kỳ và chế độ Lon Nol.

Khi Khơme Đỏ chiếm Phnom Penh tháng 4 năm 1975, Trung Quốc trở thành người bạn hùng mạnh và đáng tin cậy nhất của Campuchia, Liên Xô bị đối xử như một kẻ thù đáng nghiền rủa. Như lời một phóng viên đã viết lúc đó:

Bảy người Nga đến đây đã không được trông đợi, họ đứng ngoài Đại sứ quán Liên Xô. Họ liều lĩnh cố gắng giữa liên lạc thân thiện với những nhà lãnh đạo mới của Campuchia nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhưng chính Trung Quốc chứ không phải Nga là người cung cấp vũ khí cho Khơme Đỏ. Cộng sản Campuchia đã khước từ đề nghị của Liên Xô, bắn rocket vào tầng hai tòa đại sứ, cướp phá tòa nhà và yêu cầu người Nga đến khu vực của người Pháp.(88)

Sau đó hoàng thân Sihanouk đã xác nhận bài báo này …Nga sẽ không bao giờ bỏ qua cho Khơme Đỏ vì sự nhục nhã này.

Rõ ràng Trung Quốc đã giành thắng lợi tại vòng đầu trong cuộc chiến tại Campuchia nhưng không phải tại một nước Đông Dương khác, đó là Lào. Là “con đẻ” của Việt Nam, những quyết định quân sự của Pathet Lào đều do Việt Nam đưa ra hoặc có sự chấp thuận của những cố vấn Việt Nam trong các đơn vị Lào. 90 Ngay sau khi giải phóng Nam Việt Nam, Pathet Lào nhẹ nhàng chiếm toàn bộ lãnh thổ Lào. Chính quyền cộng sản được thiết lập vào tháng 12 năm 1975. Sau đó Việt Nam và Liên Xô gia tăng ảnh hưởng trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc đã suy giảm.

Trong chuyến viếng thăm đầu tiên đến Bắc Kinh sau khi giành chiến thắng vào tháng 8 năm 1975, phái đoàn chính thức của Campuchia Dân Chủ (Khơme Đỏ) do Phó thủ tướng Khieu Samphan dẫn đầu đã ký hiệp định viện trợ kinh tế không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật với Trung Quốc. Khi đó hai chính phủ đã cam kết đoàn kết chặt chẽ hơn nửa trong sự nghiệp chung chống chủ nghĩa bá quyền. 91 Được Chu Ân Lai thu xếp, Sihanouk được mời trở lại Campuchia vào đầu tháng 9 trong sự hân hoan chào đón. Ông cũng nhận được tuyên bố mạnh mẽ từ Khieu Samphan, Son Sen (sau này là bộ trưởng quốc phòng) và những lãnh đạo Khơme Đỏ khác rằng họ quyết tâm thực hiện “những biện pháp hà khắc nhằm loại bỏ sự hiện diện của Bắc Việt và Việt Cộng tại Campuchia”. (92)

Tuy nhiên trước đó Sihanouk bất lực nhìn Campuchia chuyển từ một vùng đất tuy lạc hậu nhưng yên bình trở thành một quốc gia của giết chóc, nghèo đói. (93) Theo Sihanouk, Chu Ân Lai đã dứt khoát cố vấn cho Khieu Samphan vào năm 1975 về sự cần thiết phải tiến hành “từng bước” đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiến trình này sẽ mất nhiều năm thực thi một cách kiên nhẫn, nhưng đó là kinh nghiệm của Trung Quốc. Và chỉ sau đó Campuchia mới tiến lên xã hội cộng sản, Chu Ân Lai kết luận. Ieng Sary xác nhận Chu Ân Lai đã nói về kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc với lãnh đạo Campuchia, kể cả Ieng Sary; nhưng Chu đã không nói đủ rõ ràng với người Campuchia hoặc họ đã không suy nghĩ một cách thấu đáo. (94) Trong bất kỳ trường hợp nào, Khieu Samphan và cộng sự đã biến Campuchia trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập một xã hội cộng sản hoàn chỉnh mà không phải mất thời gian đi qua những bước quá độ. Đây là một câu trả lời gián tiếp đến Chu Ân Lai. (95) Tuy nhiên sau khi khó khăn nảy sinh, họ đã nhờ Trung Quốc giúp đỡ để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng nặng nề là hiện đại hóa và xây dựng một Campuchia đang rơi vào hoảng loạn. Trung Quốc cử một phái đoàn do Phương Nghi dẫn đầu đến Phom Penh vào tháng 12 năm 1976. Những gì mà người Trung Quốc tìm thấy là dân chúng đang kiệt quệ, một đất nước không có chuyên gia kỹ thuật hay nhà khoa học và một quân đội không có sỹ quan thấu hiểu về toán học hay kỹ thuật. Trung Quốc cũng thấy thật khó khăn để tuyển mộ và huấn luyện người Campuchia vận hành những nhà máy, phụ trách pháo binh, những sư đoàn thiết giáp và đặc biệt là không quân. Như Sihanouk đã viết một cách thẳng thắn, “Trong suốt cuộc chiến Việt Nam-Campuchia, thậm chí trong năm 1978, không một chiến đấu cơ MIG Trung Quốc nào hoạt động”. (96) Khắp nơi đều rơi vào hoảng loạn. Mỗi nơi là một vương quốc hoạt động theo việc của riêng vương quốc đó. Đó là một thảm họa quốc gia. Cuối cùng vào năm 1980 Phó thủ tướng Ieng Sary đã thừa nhận sai lầm nghiêm trọng này dưới chế độ Pol Pot. Như ông ta đã nói với tác giả: “Chúng tôi đã tiến hành quá nhanh. Chúng tôi đã mắc sai lầm về chính trị. Chúng tôi không có cơ hội để suy nghĩ đầy đủ về tổ chức nhà nước và chúng tôi có rất ít kinh nghiệm”. (97) Đối với người bên ngoài, lời tuyên bố của ông ta có vẻ như chỉ là lời xin lỗi về tội ác tàn sát của Pol Pot đối với người Campuchia.

Trong gia đoạn 1975-1978, chế độ Khơme Đỏ nhiều lần yêu cầu quân Việt Nam rút khỏi Campuchia. Một cách miễn cưỡng, Việt Nam chỉ rút quân đến biên giới Việt Nam-Campuchia. Yêu cầu rút quân đưa ra vì người Khơme không bao giờ ngừng xem Việt Nam là “Kẻ Thù Số Một” của họ, thậm chí trong cuốc chiến tranh chống Mỹ. Thực ra, lãnh đạo Hà Nội đã xem xét việc can thiệp quân sự vào Campuchia từ 1970-1972. (99)

Hoàn toàn biết được chủ nghĩa dân tộc và ý thức độc lập của người Campuchia nhưng bực bội trước yêu cầu rút quân của Khơme Đỏ, Việt Nam cảm thấy họ phải đứng ngang hàng với người Khơme. Thứ nhất, Việt Nam cho rằng Campuchia giành được độc lập là nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải được đối xử như “những người anh lớn”. Nhưng Campuchia lại lập lại yêu cầu Việt Nam rút quân. Thứ hai, Việt Nam rất không hài lòng khi Khơme Đỏ thanh lọc hơn 4.000 quân do Việt Nam huấn luyện vào năm 1976. Theo Hoàng Hoa và Canh Bưu, thành phần của Quân đội Giải phóng Campuchia cực kỳ phức tạp, một số xuất thân từ binh lính hoàng gia, một số do Trung Quốc huấn luyện, số khác do Khơme Đỏ tổ chức và vẫn còn một số do Việt Nam đào tạo. Sau giải phóng, lãnh đạo Campuchia đã giải tán một số đơn vị, bắt giữ và thanh trừng nhiều phần tử, trục xuất nhiều thành phần có thể gây rối và tái tổ chức các lực lượng còn lại. Do đó đã thanh lọc được hàng ngũ và tăng cường khả năng chiến đấu. Hầu hết quân do Việt Nam huấn luyện đều bị hành hình hoặc bỏ tù.(100) Thứ ba, Việt Nam khó chịu với cách đối xử của Khơme Đỏ đối với những nhà ngoại giao Nga tại Phnom Penh vào năm 1975 như đã đề cập lúc trước. Thứ tư, Việt Nam không đạt được một tiến trình nào trong việc đàm phán với Khơme Đỏ của Campuchia, giống như với Lào, về khối đại đoàn kết Đông Dương (cách nói trại của “Liên bang Đông Dương”). Thứ năm, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ Campuchia, chống đối và tăng cường quấy rối Việt Nam. Tồi tệ nhất là đụng độ quân sự tại biên giới diễn ra nhiều lần làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Nhằm giải quyết khó khăn, cuối cùng Lê Duẩn và cộng sự đã thiết lập một chính sách mới đối với Campuchia.

Công thức của Việt Nam: Những mối quan hệ đặc biệt

Tại Đại hội 4 Đảng Lao Động Việt Nam tháng 12 năm 1976, Cộng Sản Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Họ quyết định thực hiện Kế hoặch 5 năm lần thứ hai, đổi tên đảng thành Đảng Cộng Sản Việt Nam và xây dựng công thức về mối quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia. Như Lê Duẩn đã nêu ra trong báo cáo chính trị của mình:

Nỗ lực bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia, tăng cường đoàn kết chiến đấu, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau trong tất cả mọi lĩnh vực giữa nước ta với các nước Lào và Campuchia anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau để ba nước gắn kết hơn nửa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.(101)

Công thức này được tiến hành bằng đàm phán hòa bình nếu có thể hoặc cưỡng bức bằng quân sự nếu cần thiết. Trong trường hợp với Lào, mối quan hệ đặc biệt đã sớm được thiết lập. Hai bên đã ký kết hiệp ước hữu nghị và hợp tác có thời hạn 25 năm vào ngày 7 tháng 7 năm 1977, cùng với hiệp ước viện trợ, hiệp định biên giới và tuyên bố chung.(102) Phái đoàn Việt Nam do Lê Duẩn dẫn đầu cũng hòa phóng hứa hẹn với Lào sẽ mở cửa hải cảng trước đây tại Đà Nẳng, cách Sài Gòn 370 dặm, để hoạt động ngoại thương. Tháng 9 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtai Siphandon dẫn đầu một phái đoàn đến Hà Nội. Ông đã bày tỏ lòng kính trọng đối với binh lính Việt Nam đã chiến đấu tại Lào trong Chiến tranh Việt Nam và cho rằng quân đội Lào và Việt Nam đang tăng cường liên kết trong chiến đấu, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong tất cả mọi lĩnh vực.(103)

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, phái đoàn Đảng Cộng Sản Campuchia đề xuất đàm phán vấn đề biên giới và ký kết hiệp ước hữu nghị và không xâm lược với Việt Nam. Tuy nhiên đàm phán đã không mang lại kết quả.(104) Sau đó hai bên cũng không có liên lạc nào. Thay vào đó, những năm sau chiến tranh gần như chỉ có xung đột biên giới và sự cáo buộc lẫn nhau giữa hai nước. Tháng 6 năm 1977, một cuộc đảo chính do Việt Nam chỉ đạo được cho là đã thất bại. Một tháng sau, Việt Nam ký kết hiệp ước với Lào với hy vọng Campuchia sẽ làm theo, nhưng Campuchia muốn ký hiệp ước hữu nghị và không xâm lược chứ không phải hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Việt Nam từ chối ký kết hiệp định này, vì một hiệp ước không xâm lược sẽ đặt Campuchia vào vị thế ngang bằng và độc lập với Việt Nam trong khi hiệp ước hợp tác sẽ không đem lại cho Campuchia điều đó. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vẫn là mô hình của Liên Xô áp dụng với những nước thuộc Thế giới Thứ ba. Việt Nam muốn sao chép mô hình này áp dụng cho Campuchia. Sự chối từ của Campuchia làm cho Lê Duẩn nổi giận và sử dụng những áp lực quân sự mới lên Khơme Đỏ.

Từ tháng 9 đến 10 năm 1977, Pol Pot sang thăm Bắc Kinh nhằm xin thêm viện trợ và cũng được cho là nhằm đạt được sự bảo vệ quân sự từ Trung Quốc. Dù Pol Pot không đạt được một cam kết bảo vệ quân sự của Bắc Kinh, ông ta vẫn được chào đón nồng nhiệt và được hứa cấp thêm viện trợ vật chất, điều này làm cho Hà Nội cảm thấy quan ngại. Như đã đề cập ở trên, cuối tháng 11 năm 1977, Lê Duẩn dẫn đầu một phái đoàn đảng và chính phủ đến Trung Quốc. Mục đích chính của chuyến viếng thăm là để đàm phán về Campuchia. Lê Duẩn cố gắng thăm dò lập trường thật sự của Trung Quốc trong vấn đề này. Không đạt được một kết quả khả quan nào, phái đoàn Lê Duẩn nhanh chóng rời Bắc Kinh hai ngày sau đó. Đầu tháng 12, Bắc Kinh gửi Trần Vĩnh Quý (ủy viên Bộ chính trị) đến Phom Penh để thuật lại với Pol Pot thông tin về chuyến viếng thăm của Lê Duẩn và kinh nghiệm của Tachai. Do Việt Nam bắt đầu tấn công với vi mô lớn từ cuối tháng 12, Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 31 tháng 12, cáo buộc Hà Nội đã xâm chiếm một cách dã man và tàn bạo. Theo cách gọi của tây phương, đây được gọi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm bắt đầu từ tháng 1 năm 1978. Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng, kèm theo những cáo buộc lẫn nhau.(105) Trung Quốc nhanh chóng đưa ra lập trường rõ ràng. Ngày 12 tháng 1 năm 1978, chính phủ Trung Quốc đưa ra thông cáo thúc giục một cuộc ngừng bắn ngay lập tức, quân Việt Nam phải rút khỏi Campuchia và một giải pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Campuchia. Ngày 18 tháng 1, Bắc Kinh cử Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai) theo một phái đoàn tìm hiểu tình hình thực tế đến Campuchia.

Lúc này, Hà Nội đã đưa ra một quyết định mới về Campuchia. Tại cuộc họp đặc biệt của Trung Ương Đảng vào tháng 2 năm 1978, Hà Nội quyết định lật đổ chế độ Pol Pot vào tháng 12.(106) Chiến lược của Việt Nam gồm những bước sau: (1) mô tả chính phủ Pol Pot là một chế độ khủng bố; (2) công kích viện trợ của Trung Quốc giành cho Campuchia; (3) tuyên truyền cuộc nổi dậy của nhân dân Campuchia chống chế độ Pol Pot; và (4) chơi lá bài Liên Xô. Trong khi đó, Hà Nội tăng cường thêm quân tại biên lên mức 12 sư đoàn. Ở đây cần có một sự lý giải cho những bước đi chiến lược này. Việt Nam bắt đầu mô tả Campuchia của Pol Pot là một đất nước của khủng bố vào đầu năm 1978 và gia tăng vận động sau mùa xuân năm 1978. Việt Nam gọi chế độ Pol Pot là những tên đồ tể, bè lũ Phát-xít, những kẻ sát nhân và là kẻ thù của nhân dân. Campuchia được mô tả như là một địa ngục trần gian!

Khi đó, vào tháng 2 năm 1978 Hà Nội bắt đầu cáo buộc Trung Quốc vũ trang cho Campuchia để chống lại Việt Nam. Sau tháng 7, Hà Nội công kích trực tiếp và gay gắt với Trung Quốc. Việt Nam buộc tội Trung Quốc là thủ phạm chính trong nạn diệt chủng tại Campuchia và trong cuộc chiến của Campuchia với Việt Nam. Việt Nam cũng lên án Trung Quốc là tên phản động quốc tế, là kẻ bành trướng và bá quyền. Ngoài ra Hà Nội còn xỉ vả vào hành động tội ác của Trục Bắc Kinh-Phnom Penh. Một bài báo trên Tạp chí Cộng Sản đã tóm lược lại những công kích này như sau:

Tại sao chính quyền Trung Quốc lại ủng hộ bè lũ phát xít và diệt chủng tại Campuchia? Tại sao chúng lại lại ủng hộ hoàn toàn cho chế độ tàn bạo này và tại sao chúng lại làm thinh như không nghe thấy gì trước tiếng kêu cứu bi thương của hàng triệu nạn nhân ở Campuchia? Tại sao Trung Quốc chi ra hàng tỉ đô la để cung cấp một lượng lớn vũ khí cho lũ đao phủ tại Campuchia và gửi hàng trăm cố vấn quân sự giúp duy trì bằng mọi giá hệ thống xã hội đầy tội ác này, một hệ thống xã hội mà cả nhân loại đều lên án nguyền rủa? Câu trả lời chỉ có thể là: bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary là lũ tay sai khát máu mà chính quyền Trung Quốc rất cần đến để tiến hành chính hành chính sách bành trướng tại Đông Dương và trên toàn cõi Đông Nam Á. Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng hệ thống xã hội tàn bạo tại Campuchia như là một công cụ để chống lại Việt Nam…(107)

Sự tuyên truyền của Việt Nam về cuộc nổi dậy của người Campuchia là nhằm để tạo ra xu thế công luận phù hợp cho cuộc tấn công chớp nhoáng sắp tới vào Phnom Penh. Kế hoạch lật đổ chế độ Pol Pot được quyết định vào đầu năm 1978 sau khi Việt Nam thiết lập Heng Samrin trở thành một nhà lãnh đạo. Heng Samrin, rất ít được thế giới bên ngoài biết đến trước 1979, bắt đầu hoạt động cách mạng với cương vị là người đưa tin giữa Khơme Đỏ và Việt Cộng. Ông trở nên thân thiết với người Việt và công việc của họ. Với nguồn gốc thấp kém, Heng Sarim sau đó được Việt Nam huấn luyện khi Việt Cộng tổ chức quân đội Campuchia cùng song hành đấu tranh chống Khơme Đỏ của Pol Pot và lực lượng của Lon Nol và Hoa Kỳ. Ông thăng cấp lên làm tư lệnh sư đoàn tại Quân khu Chiến 4 gần Việt Nam. Năm 1976, khi Pol Pot bắt đầu thanh trừng quân Campuchia do Việt Nam huấn luyện, Heng Sarim đã chạy sang Việt Nam. Việt Nam cho ông ta chỉ huy một nhóm được tái tổ chức (cấp sư đoàn) của những người tị nạn Campuchia tại Nam Việt Nam. (108) Sau đó Hà Nội bắt đầu chiến dịch nổi dậy của người Campuchia vào đầu tháng 10 và gia tăng hơn nửa vào đầu tháng 12 khi Việt Nam chỉ đạo thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Cứu quốc Campuchia (KNUFNS). Báo Nhân Dân sau đó tuyên bố “cơ hội lớn cho cách mạng Campuchia” đã đến. 109 Ngay sau đó là cuộc tấn công chớp nhoáng của Việt Nam lật đổ chế độ Pol Pot vào ngày 7 tháng 1 năm 1979.

Con bài Liên Xô và Chiến thắng của Việt Nam

Đánh giá từ tiến trình đưa ra quyết định theo như bài báo của Hoàng Văn Hoan nêu lên, lãnh đạo Việt Nam phải thảo luận với lãnh đạo Liên Xô trước khi Hà Nội quyết định chiếm Phnom Penh bằng vũ lực vào đầu năm 1978. Sau khi đưa ra quyết định, sự tính toàn thời gian của Hiệp ước Việt-Xô và việc Việt Nam tấn công Campuchia đã được đặt ra. Con bài Liên Xô tác động rất quan trọng đến cuộc tấn công của Việt Nam vào Campuchia.110 Hà Nội đã chơi một nước bài tốt.

Vài tháng trước khi ký kết hiệp ước, Liên Xô bắt đầu chuyển những chuyến hàng không quân đặc biệt với MIG-23 và những vũ khí khác cho Việt Nam qua ngã Ấn Độ. 111 Khi đã ký kết hiệp ước, Uông Đông Hưng (Phó chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc), vội vã đến Campuchia vào ngày 5 tháng 11 năm 1978, với sứ mệnh ủng hộ về tinh thần và vật chất. Ngày 11 tháng 11, báo Nhân Dân đã công kích Wang, “Chuyến đi của Wang Tung-hsing …là nhằm tìm kiếm cách thức kéo dài thảm họa tồi tệ tại Campuchia để thực thi kế hoạch bá quyền Bắc Kinh-đấu tranh chống Việt Nam đến người Campuchia cuối cùng”. Khi đó Việt Nam đưa ra cảnh báo đến cả Trung Quốc lẫn Campuchia. Hà Nội cho rằng những người cách mạng Campuchia sẽ sớm lật đổ chế độ Pol Pot. Thậm chí nếu Trung Quốc có viện trợ ồ ạt cho Phnom Penh thì cũng không thể “cứu chế độ Pol Pot tránh khỏi sụp đổ hoàn toàn” (112). Cách nói và lối tuyên bố này rất giống với cách mà Văn Tiến Dũng đã viết vào đầu mùa xuân 1975 khi tấn công chính quyền Sài Gòn. Cùng lúc đó, Liên bang Xô Viết tăng cường cung cấp vũ khí cho Hà Nội thêm nhiều MIG-23 và hai tàu hộ tống 2.000 tấn. Theo đài phát thanh của Pol Pot, cố vấn Liên Xô nằm trong tất cả các đơn vị của quân Việt Nam.(113) Điều này có thể không đúng, nhưng sự gia tăng có thể thấy được của Liên Xô tại Việt Nam là rõ ràng sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975.

Thực ra, Hà Nội rất quan ngại khả năng Trung Quốc can thiệp quân sự vào Campuchia và chính quyền Pol Pot đã đưa ra đề nghị này. Theo như tiết lộ trong bài phát biểu của Phó thủ tướng Gen Biao ngày 16 tháng 1 năm 1979, yêu cầu cầu của chính quyền Campuchia đưa ra khi Uông Đông Hưng viếng thăm Campuchia vào tháng 11 năm 1978. 114 Lãnh đạo Bắc Kinh đã bác bỏ đề nghị này. Lý do chính là nếu Trung Quốc can thiệp, họ có thể rơi vào vũng lầy Đông Dương như Hoa Kỳ đã từng mắc phải. Lãnh đạo Trung Quốc quyết định thay vào đó bằng việc gửi viện trợ vật chất cho Campuchia và ủng hộ chế độ Pol Pot đến cùng (chi tiết hơn ở Chương 4).

Đương nhiên Trung Quốc lập lại việc phản đối cuộc xâm lược của Việt Nam và KNUFNS. Khi Việt Nam sử dụng 100.000 quân trong cuộc tấn công kéo dài 2 tuần, Phom Penh nhanh chóng sụp đổ. Trước ngày thủ đô sụp đổ, (ngày 6 tháng 1 năm 1979) Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình loại bỏ một sự can thiệp quân sự ngay lập tức vào cuộc xung đột Việt Nam-Campuchia nhưng nói thêm rằng một ngày bào đó Trung Quốc phải tiến hành những biện pháp ngược lại với mong muốn hòa bình của mình. Ông ta gọi cuộc xâm lăng của Việt Nam tại Campuchia là một phần của chủ nghĩa bành trướng Xô Viết và là mối đe dọa Việt-Xô với Trung Quốc. (115)

Tuy nhiên, theo như tiết lộ chỉ ra trước đây từ nguồn tin của Lâm Bưu, cân phải lưu ý rằng có khoảng 1.500 người Trung Quốc đã ở lại Campuchia trong cuộc di tản khẩn cấp tháng 1 năm 1979. Họ không di tản và sau đó tự nguyện chọn ở lại những chính quyền Khơme. Hiện nay số người này đang làm việc và chiến đấu như những người Campuchia trong các nhóm phiến quân Khơme chống lại Việt Nam.

Ngày 8 tháng 1 năm 1979, một ngày sau khi Phnom Penh bị chiếm, Hội đồng Cách mạng Nhân dân được thành lập do Heng Samrin đứng đầu. Đúng như trông đợi, Maxtcova và Hà Nội gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Heng Samrin và công nhận chế độ của ông ta, trong khi đó Trung Quốc chỉ trích một cách giận dữ rằng “cuộc xâm lược bất hợp pháp này phải chấm dứt”. Vài ngày sau, báo quân đội của Hà Nội đưa ra một cảnh báo cứng rắn đến cả Trung Quốc và Thái Lan rằng “không ai có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia!”(116) Thật sự quan ngại về anh ninh của mình, Thái Lan bình tĩnh quan sát, tất cả mọi con mắt trên thế giới đều nhìn vào Thái Lan để xem người Thái sẽ ứng phó như thế nào trước tình hình mới. Thái Lan thúc giục Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc giúp “xây dựng một nước Thái vững mạnh”. (117)

Gần như bị quản thúc tại gia ở Phnom Penh trong 3 năm 3 tháng, Sihanouk bay đến Bắc Kinh vào ngày 7 tháng 1 năm 1979 và sau đó bay đến New York để nói chuyện trước Hội đồng Bảo an vào ngày 10 tháng 1. Bài phát biểu của Sihanouk kích động những chỉ trích về Việt Nam của Singapore, Zambia, Gabon, Bồ Đào Nha, Malaysai và New Zealand. (118) Những khẩn cầu của ông ta với Hoa Kỳ nhắm giúp tống khứ Việt Nam ra khỏi Campuchia chỉ nhận được những sự ủng hộ về tinh thần.

Khi Việt Nam cũng cố kiểm quyền kiểm soát trên hầu hết lãnh thổ Campuchia, lực lượng Pol Pot giảm xuống thành những đơn vị du kích nhỏ tại vùng rừng nhiệt đới phía tay đất nước. Cuối tháng 1 năm 1979, Phạm Văn Đồng nói với những đại sứ Á Châu rằng Cộng hòa Nhân dân Campuchia (CHNDC) dưới sự lãnh đạo của Heng Samrin sẽ chấp nhận việc đóng quân của Việt Nam tại Campuchia. Ngày 18 tháng 2, một ngày sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, Phạm Văn Đồng và Heng Samrin ký kết Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia tại Phnom Penh, có thời hạn trong 25 năm. Bản hiệp ước qui định về việc giúp đỡ lẩn nhau trong phòng thủ quốc gia và tái thiết kinh tế. Đều 2 của hiệp ước nói:

Trên nguyên tắc phòng thủ quốc gia và xây dựng đất nước là sự nghiệp của nhân dân mỗi nước, hai bên cam kết toàn tâm ủng hội và giúp đỡ lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực và với tất cả những hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình của nhân dân mỗi nước chống lại tất cả những âm mưu và hành động phá hoại của những thế lực phản động quốc tế. hai bên sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện cam kết này bất cứ khi nào một bên có yêu cầu.(119)

Như vậy, bản hiệp ước đã hợp pháp hóa việc quân đội Việt Nam đóng quân và hoạt động tại Campuchia. Giấc mơ về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam, Campuchia và Lào, một lối nói trại của Liên Bang Đông Dương, đã trở thành hiện thực. Dù điều này đạt được và duy trì được bằng vũ lực.


Trả lời

  1. […] Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới […]

  2. […] Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới […]

  3. […] tranh biên giới Việt-Trung 1979 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới […]

  4. […] tranh biên giới Việt-Trung 1979 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3 – Chiến tranh biên giới […]

  5. […] Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 (tiếp theo) – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 3   –   Chiến tranh biên giới […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục