Đăng bởi: nguyenyenson | 05/10/2010

King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979

Kinh C. Chen
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ

Lời Cảm Tạ

Cuốn sách này là kết quả mối quan tâm lâu dài của tôi về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Dù phần lớn cuốn sách này đã viết xong trong mùa hè và mùa đông nhưng cuốn sách là kết quả làm việc liên tục trong nhiều năm. Trong quá trình nghiên cứu, phỏng vấn, viết rồi viết lại, tôi đã được nhiều bạn bè và học giả giúp đỡ. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn của tôi với tất cả mọi người đặc biệt là những người sau đây: Zbigniew Brezeninski của Đại học Columbia, tôi cảm ơn sự giúp đỡ của trong phần nghiên cứu ban đầu. Tôi xin cảm ơn Thomas W. Robinson, Donald S, Zagoria, Michael Y.M. Kau, Hungdah Chiu, William M. Kissam, Joseph Zasloff, William J. Duiker (Hoa Kỳ); Philippe Devillers (Pháp); Pao-min Chang (Singapore); Carlyle A. Thayer (Australia); Feilung Lui, Ming-hsiung Hsu (Đài Loan); Kong-Ja Chang (Triều Tiên); Henry Kamm (New York Times) và Alexander Casella (Geneva) đã góp ý, cung cấp thông tin và tài liệu. Tôi xin cảm ơn những ấn phẩm và sự giúp đỡ của Ủy ban lâm thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Campuchia Dân Chủ tại Liên Hiệp Quốc. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người sau đây đã giành cho tôi những cuộc phỏng vấn trò chuyện. Đó là Hoàng thân Norodom Sihanouk, Ieng Sary (Campuchia); Nitya Phibulsonggram (Phibunsongkhram), Preedee Kasemsup, Lawat Tangthongthawi, Shen Ke-chin, Lin Tien-hsiu (Thái Lan) Chen Ch’ing-li (trước đây ở Việt Nam, hiện nay ở tại Đài Loan); Chang Wen-ho, Nguyễn Văn Châu, Vũ K. Thu (trước ở Việt Nam nay định cư tại Hoa Kỳ); Lo Kau (Hong Kong); và một số “người tị nạn” Trung Quốc và Đông Dương tại Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan và Hoa Kỳ, những người đã trò chuyện với tôi nhưng không sẳn sàng nêu rỏ danh tính. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Uỷ ban Thái Lan và Indonesia tại Liên Hiệp Quốc đã cung cấp dữ liệu và Bộ ngoại giao Malaysia cung cấp Chính sách Tị nạn Malaysia. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Đại học Rutgers đã tài trợ cho việc nghiên cứu; Học viện Hoover đã hổ trợ và Cô Linda W. Perry đã giúp đỡ biên tập rất tốt. Tôi gửi lời cảm ơn đến vợ tôi Grace và các con tôi đã tích cực khuyến khích và giúp đỡ tôi trong dự án đầy thử thách này.

Giới Thiệu

Với qui mô và thương vong chưa từng có, cuộc chiến biến giới ngắn ngủi 1979 là cuộc xung đột quân sự đẩm máu nhất giữa “những người anh em” trong thế giới cộng sản. Có nhiều lý do gây nên cuộc chiến. Mối quan hệ thất thường giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ, xung đột biên giới, yếu tố Liên Xô, vấn đề Campuchia và Hoa Kiều, tất cả đã góp phần quan trọng làm leo thang xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước đã phát động chiến tranh. Bằng cách ồ ạt tấn công Việt Nam, Bắc Kinh muốn đạt được những mục tiêu trong chính sách ngoại giao. Kết quả là, cuộc chiến không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung mà còn còn ảnh hưởng sâu rộng đến những hệ quả quốc tế. Vấn đề rất phức tạp và đan xen nhau khi xem xét đến những khía cạnh trong đó, nếu bỏ qua những yếu tố khác, thì đó là một đánh giá sai lệch hoàn toàn. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu cuộc chiến 16 ngày này đòi hỏi một cuộc nghiên cứu toàn diện gồm cơ cấu chính sách đối ngoại Trung Quốc, bối cảnh, quyết định, bản thân cuộc chiến và sự can dự của quốc tế. Cơ cấu chính sách và bối cảnh cho thấy phạm vi và khuôn mẫu hoạt động ngoại giao-quân sự của Trung Quốc trong quá khứ và tính chất nghiêm trọng trong nhiều vấn đề khác nhau đã dẫn hai nước “anh em” đi đến chiến tranh. Cần có sự lưu tâm đặc biệt vế khía cạnh ra quyết định, chính trị, mô hình và tiến trình. Chính trị rất cần thiết dưới sự khôi phục lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, chỉ ra mối liên hệ giữa chính trị trong nước và chính sách ngoại giao dưới hình thức tranh giành quyền lực vào thời điểm đó, gồm tranh cải ý thức hệ và tái lập phe phái. Cuộc chiến này được minh chứng khi quyền lực của Đặng Tiểu Bình càng được tăng cường hơn sau năm 1979 do được ủng hộ bởi dòng chảy ôn hòa thông tin từ đại lục ra thế giới bên ngoài. Mô hình được xây dựng lên nhằm minh họa quyết định đi đến chiến tranh đã xảy ra như thế nào. Tiến trình hình thành do tình hình trong nước và quốc tế tại thời điểm đó và tính thẳng thắn trong Đặng Tiểu Bình. Đó là một hoàn cảnh hiếm thấy. Bàn luận về sự dính líu quốc tế là đánh giá sâu rộng ảnh hưởng của nhiều vấn đề quốc tế khác nhau. Tầm quan trọng về hậu quả của cuộc chiến hạn chế này có thể đo lường bằng mối quan hệ đối nghịch giữa Việt Nam- Trung Quốc hiện nay, vấn đề Trung-Xô chưa được giải quyết, tình trạng phức tạp của Campuchia và sự gia tăng ảnh hưởng Liên Xô tại Châu Á. Những vấn đề này tạo ra một thách thức vớí Hoa Kỳ. Những nhà nghiên cứu về cộng sản thường gặp khó khăn về sự khan hiếm tài liệu để phân tích và diễn giải. Thậm chí khó khăn hơn nửa là việc tiếp cận thông tin về những người làm chính sách và qui trình đưa ra quyết định. Điều này xảy ra trong sự kiện Trung Quốc can dự vào Chiến tranh Triều Tiên và xung đột biên giới. Từ năm 1949, Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ tất cả thông tin, bề ngoài là để bảo vệ bí mật nhà nước. Người ngoài kể cả những nhà nghiên cứu về Trung Quốc gần như không thể tiếp cận được bất kỳ thông tin nào ngoại trừ những thông do chính phủ công bố. Người nghiên cứu phụ thuộc rất lớn và những thông tin không chính thức còn giới hạn. Tuy nhiên, trong cuộc chiến 1979 đã có ít nhiều sự khác biệt. Chiến dịch bất ngờ và ngắn ngủi nhằm “giải phóng” suy nghĩ nhân dân kéo dài từ 1977-1979 đã khuyến khích nhiều thông tin truyền miệng. Đây là chiến dịch Đặng Tiểu Bình phát động nhằm chống lại phe cánh chính trị của Mao Trạch Đông và vai trò lãnh đạo của Hoa Quốc Phong. Chiến dịch này cũng làm gia tăng việc tiết lộ một số bí mật nhà nước từ đại lục đến Hong Kong và những khu vực ngoại vi. Sự tiết lộ này rất quan trọng đối với người bên ngoài, đặc là những nhà nghiên cứu học thuật. Bằng cách thức lựa chọn nghiêm túc, tôi đã đưa vào cuốn sách nhiều tài liệu có được từ các cuộc phỏng vấn và thông tin thu tập tại Hong Kong và những nơi khác. Đây là những thông tin rất hữu ích. Niềm tin của tôi vào những nguồn thông tin này được cũng cố vững chắc sau khi tôi đọc ba cuốn hồi ký quan trọng là Giữ vững Niềm tin (Keeping Faith) của Jimmy Carter, Quy tắc và Quyền lực (Power and Principle) của Zbigniew Brzezinski và Lựa chọn Khó khăn (Hard Choices) của Cyrus Vance về đàm phán giữa Đặng Tiểu Bình và chính quyền Carter vào đầu năm 1979 về kế hoạch chống Việt Nam của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nghiên cứu của tôi về nguồn gốc cuộc chiến của Đặng Tiểu Bình gần như hoàn tất vào tháng 12 năm 1980, trong khi ba cuốn hồi ký này xuất bản vào năm 1982 và 1983. Sự giống nhau đáng lưu ý giữa thông tin về Đặng Tiểu Bình và thông tin tại Hong Kong với một ít khác biệt, không chỉ xác nhận giá trị của thông tin truyền miệng và thông tin bị tiết lộ mà còn chứng tỏ Đặng Tiểu Bình là người đứng trong việc đưa ra quyết định cho cuộc chiến. Điều này cũng cho thấy quyết định phát động chiến tranh có thể được xem là quyết định của Đặng Tiểu Bình và cuộc chiến chính là cuộc chiến tranh của Đặng Tiểu Bình. Hai lĩnh vực nghiên cứu khác là mô hình quan hệ Việt-Trung và mức độ kiểm soát khủng hoảng của Trung Quốc. Về khía cạnh lịch sử, cuộc chiến 1979 là một gia đoạn trong mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc và cho thấy mô hình trong quan hệ giữa hai nước. Tác giả đã phân tích mô hình trong công trình nghiên cứu trước đây là cuốn sách Việt Nam-Trung Quốc 1938-1954. Khi Trung Quốc còn mạnh, thân thiện và hào hiệp, Việt Nam tôn trọng, hợp tác và noi gương Trung Quốc. Khi Trung Quốc bị phân chia và hoảng loạn, Việt Nam hưởng được độc lập và tự do hơn và khi Trung Quốc tấn công,Việt Nam sẽ kháng cự. Trong mối quan hệ một ngàn năm với Trung Quốc, Việt Nam chứng minh cho thấy là một dân tộc anh hùng và độc lập. Nhưng quan hệ đồng minh Việt-Xô gần đây đã làm phức tạp mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trong mức độ nhất định, điều này cũng làm lu mờ vị thế hoàn toàn độc lập của Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã chiến đấu rất gian khổ mới giành được. Trong khi mô hình quan hệ không thay đổi thì những yếu tố thiết lập nên mô hình quan hệ đã bắt đầu đổi thay. Biến chuyển này là ví dụ cho thấy lợi ích dân tộc và chiến lược đã làm lu mờ ràng buộc chung về ý thức hệ cộng sản. Nếu quan hệ đồng minh chiến lược Việt-Xô trở nên vững chắc như Hiệp ước Warsaw, điều khó xảy ra hiện nay, thì mô hình quan hệ Việt-Trung sẽ trải qua những thay đổi lớn. Việc quản lý khủng hoảng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một vấn đề của sự gia tăng lợi ích. Nhiều nhà nghiên cứu đã bàn luận về vấn đề này, nhưng vẫn chưa đưa ra được một cơ cấu cụ thể để phân tích mức độ và cách thức quản lý khủng hoảng của Bắc Kinh. Trong nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu này, tôi trình bày trong công trình nghiên cứu này một cơ cấu gồm 6 thành phần khủng hoảng và hệ thống xếp hạng. 8 cuộc khủng hoảng trong quá khứ (trước cuộc chiến 1979) được sử dụng để lập ra tiêu chí đánh giá mức độ và cách thức quản lý của Bắc Kinh. Kết quả là bản cơ cấu cho thấy không chỉ được áp dụng trong chiến tranh 1979 và những cuộc khủng hoảng khác của Trung Quốc mà còn cả những cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ kể từ Chiến tranh Thế giới lần Thứ hai. Trong quá trình nghiên cứu mức độ can dự vào khủng hoảng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vấn đề về “chiến tranh giới hạn” và “chiến tranh nhân dân” được nêu ra vào từng thời điểm. Cỏ vẻ như, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành chiến tranh giới hạn trong tất cả những cuộc khủng hoảng từ 1949 đến 1978, ngoại trừ cuộc xung đột Triều Tiên. Tuy nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể thực hiện chiến tranh chống lại Việt Nam vào năm 1979 như dự định và như những gì mà họ đã làm trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản trong giai đoạn 1937-1945. Lý do chính là những điều kiện của một cuộc chiến tranh nhân đã không có tại Trung Quốc, những điều kiện này đòi hỏi tiêu chí về một ý thức chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và sự tham gia rộng lớn của quần chúng nhân dân. Ngược lại, Việt Nam có khả năng chống chiến tranh giới hại của Trung Quốc năm 1979 không chỉ vì vấn đề chiến lược mà còn vì Việt Nam có những điều kiện để thực hiện. Cuối cùng, một điểm nhận xét cần phải nêu ra đây là trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế trước đây, Trung Quốc đã hoán đổi giữa việc sử dụng những biện pháp hòa bình và quân sự. Bắc Kinh đang đấu tranh thực hiện chương trình hiện đại hóa. Chương trình này đòi hỏi phải mất 3 đến 4 thập niên mới đạt được và một môi trường hòa bình trong nước và quốc tế là điều kiện tiên quyết để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao này. Nếu những nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh không nhận thức đầy đủ điều kiện thiết yếu đó trong thời điểm quan trọng này và áp dụng những biện pháp quân sự vào các vấn đề quốc tế và trong nước như đã làm định kỳ từ 1949, thì cơ hội hiện đại hóa có thể sẽ trôi qua. Để tránh nhầm lẫn, cần phải lưu ý về việc chuyển từ ở đây. Đối với tài liệu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tôi sử dụng Pinyin còn với tài liệu của Đài Loan, tôi sử dụng phương pháp phát âm tiếng Quan Thoại bằng ký tự Latinh (Phương pháp Wade Giles).

Phần 1

Cơ Cấu Chính Sách Ngoại Giao Bắc Kinh

Trước khi bàn đến cuộc chiến Trung-Việt 1979, cần phải thiết lập ra một bộ khung để phân tích. Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch thực hiện “cuộc phản công tự vệ” chống Việt Nam, nên vấn đề cần phải được phân tích bằng việc hướng vào cách tiếp cận của Trung Quốc. Theo cách thức đó, chính sách ngoại giao Bắc Kinh có thể là cơ sở để phân tích vấn đề phức tạp này.

Chính phủ CHND Trung Hoa chưa bao giờ lý giải một cách rõ ràng chính sách của mình. Điều đó tồn tại khi chúng ta diễn giải phản ứng quốc tế của Trung Quốc. Đó là một nền tảng lý thuyết chỉ đạo chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vì thế, lý thuyết và thực tiễn sẽ mang lại nền tảng cho cơ sở phân tích. Một cách lý giải cô đọng và súc tích là cần thiết.

Nền tảng Lý thuyết

Về lý thuyết, chính sách ngoại giao Bắc Kinh thiết lập từ triết lý đối ngoại truyền thống của Trung Quốc, ý thức hệ cộng sản, cơ sở chiến lược và lợi ích quốc gia. Những yếu tố này biểu hiện rất rỏ nét khi đặt vào bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Theo truyền thống, quan hệ đối ngoại Trung Quốc bắt nguồn từ khái nhiệm “Thiên tử”. Biện minh cho quyền lực này, những triều đại của Trung Nguyên xem Trung Quốc là trung tâm của thế giới và những nước bên ngoài chỉ là những nước láng giềng man rợ. Trung Hoa thiết lập quan hệ với những nước này thông qua qui tắc cống nạp-thể chế quan hệ ngoại giao duy nhất. Sau một thời gian dài thực hiện, Trung Hoa xây dựng uy quyền bằng đô hộ chính trị và vượt trội văn hóa. Mặc dù, những cuộc nổi dậy quân sự đôi khi cũng diễn ra, nhưng chúng chỉ là những cuộc nổi dậy theo yêu cầu của lân bang hoặc để duy trì qui tắc cống nạp. Vì thế, chính sách này thực hiện nhằm mang lại lợi ích về chính trị, văn hóa và chiến lược cho Trung Quốc.

Trong khi loại trừ được những cường quốc hùng mạnh khác trong khu vực, sự thống trị về chính trị cũng làm cho Trung Quốc bị cô lập chính trị. Để duy trì vị trí thống lĩnh tại Châu Á, Trung Quốc đã thực hiện theo qui tắc truyền thống là: “khen thưởng người vâng lời và trừng trị kẻ chống đối”. Chính sách thưởng phạt này áp dụng trên toàn bộ khu vực Châu Á, từ Triều Tiên tới Annam (Việt Nam) cho đến Nepal, và hầu hết đều rất thành công.

Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi những cường quốc Tây phương xuất hiện. Anh, Pháp, Đức, Nga và thậm chí cả Nhật Bản đều đòi hỏi ảnh hưởng trên toàn Trung Quốc. Trung Quốc trở nên yếu kém và nhục nhã. Cơ chế triều cống chấm dứt từ cuối thể kỷ 19 cho dù lợi ích của Trung Quốc tại Châu Á vẫn không thay đổi.

Sau khi thành lập chính quyền tại Bắc Kinh năm 1949, Trung Quốc xác lập lại chủ nghĩa dân tộc cũng như khẳng định lại vị trí của mình tại Châu Á. Trong số những tuyên bố của Bắc Kinh thì một trong những biểu hiện rõ nhất đó là bài xã luận đăng trên báo Trung Quốc trong thời kỳ diễn ra Hội nghị Geneva về Đông Dương 1954. Bài xã luận tuyên bố một cách kêu ngạo rằng Chu Ân Lai, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tại Hội nghị Geneva, không phải chỉ nói cho “500 triệu người Trung Quốc” mà còn nói cho “toàn bộ những người yêu chuộng hòa bình tại Châu Á”. Bắc Việt mù quáng lập lại điều này một cách rất tích cực và cho rằng “không có Trung Quốc thì không thể nào giải quyết được vấn đề của Châu Á, không có Trung Quốc thì sẽ không thể có giải pháp giải quyết những mối quan hệ quốc tế”. Việt Nam rỏ ràng đã chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Trung Quốc tại Á Châu. Từ trước cho đến nay, vai trò lãnh đạo là yếu tố mà hai quốc gia này hợp tác. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Việt Nam (1964-1975) và Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1965-1976) kết thúc, Trung Quốc phải đối chọi với một Việt Nam ngày càng độc lập và lớn mạnh hơn tại Đông Dương. Cường quốc mới là Liên Xô đã nhảy vào hỗ trợ Việt Nam. Quan hệ Trung-Việt trở nên xấu đi và nhân tố lãnh đạo trở thành một yếu tố của xung đột.

Tuy nhiên, để giữ mối quan hệ “anh em” và truyền thống lâu dài với Việt Nam, Trung Quốc duy trì và tránh mở rộng quá mức quyền lực tại Đông Dương cho dù. Về ý thức hệ cộng sản, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hồi năm 1950 rằng chính sách Trung Quốc thiết lập trên nguyên tắc khoa học của Marx, Engel, Lenin, Stalin và kiến thức khoa học của qui luật phát triển xã hội. Trung Quốc gần như diễn giải mọi vấn đề quốc tế theo lý luận biên chứng của Mao, gồm tư tưởng về sự đối lập, khái niệm “khu vực trung gian” và lý thuyết “ba thế giới”. Khi Trung Quốc áp dụng ý thức hệ vào mối quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc xem xét đến những mục tiêu chung và sự khác biệt của hai nước.

Những mục tiêu chung là đấu tranh chống phản động và đế quốc chuyển biến xã hội thành xã hội chủ nghĩa. Trong xác nhận mục tiêu chung, hai bên sử dụng ý thức hệ để tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên, khi những mục tiêu chung bị lu mờ bởi xung đột lợi ích, cả hai đều diễn giải chủ nghĩa Marx-Lenin theo cách có lợi cho mình. Do đó, Trung Quốc lý luận rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô là một công cụ bá quyền nhằm bao vay Trung Quốc và xem cuộc chiến tranh du kích của Pol Pot như là một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Việt Nam đối với Campuchia. Ngược lại, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm tội ác bá quyền bằng việc đàn áp và xâm lược Việt Nam. Vì thế, ý thức hệ cũng được hai bên cũng sử dụng để leo thang xung đột.

Khái niệm chung về chiến lược và lợi ích quốc gia là hiểu rõ được. Rõ ràng, hai nước đều chấp nhận điều này như là nguyên tắc hướng dẫn thực hiện chính sách ngoại giao. Cả hai đều theo đuổi vấn đề an ninh quốc gia, thống nhất đất nước, chấp dứt can thiệp của ngoại bang, phát triển kinh tế, quyền lực và ảnh hưởng quốc gia. Trong vài trường hợp, sự giúp đỡ lẫn nhau để thúc đẩy các lợi ích này đã tăng cường hợp tác và thống nhất giữa hai nước, như việc Trung Quốc cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam và Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về cải cách ruộng đất, thương mại và trao đổi văn hóa.

Tuy nhiên trong quá trình thúc đẩy lợi ích, hai nước cũng chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Mỗi giai đoạn khác nhau cần có những chính sách khác nhau mà thông thường là do ảnh hưởng bởi những thời kỳ và môi trường khác nhau, gồm cả sự can thiệp của những cường quốc bên ngoài. Khi thiết lập nên những chính sách khác nhau, hai nước đi đến đối đầu về lợi ích. Cuộc tấn công Việt Nam 1979 của Trung Quốc là hình mẫu trong xung đột lợi ích dưới hình thức nghiêm trọng nhất từ 1949. Kết quả là yếu tố lợi ích chiến lược và lợi ích quốc gia cũng trở thành một yếu tố của xung đột.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau xung đột lợi ích đã không đi đến đỉnh điểm. Trung Quốc nhận thấy việc tiến hành chính sách chống Việt Nam ở mức độ hạn chế cũng mang lại lợi ích cho mình.

Thực tiễn

Để minh chứng cho học thuyết diễn giải chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã nêu ở trên, chúng ta phải đánh giá phản ứng quốc tế của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát vắn tắt về sự dính líu của Trung Quốc trong 8 cuộc khủng hoảng trước 1979 sẽ cho thấy mức độ thực hiện chính sách đối ngoại và từ đó hỗ trợ cho cách diễn giải nêu trên.

Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), 320.000-400.000 quân “tình nguyện” Trung Quốc đã chiến đấu quyết liệt chống lại các lực lượng Liên Hiệp Quốc và đẩy lực lượng này lùi về phía nam. Tuy nhiên, quân Trung Cộng không tấn công quân Liên Hiệp Quốc đến tận Pusan. Thay vào đó, họ dừng lại ở khoảng vỹ tuyến 38. Thông điệp đưa ra là rõ ràng: Trung Quốc đã đã “giải cứu” Bắc Triều khỏi bị thống nhất với miền nam bởi quân Liên Hiệp Quốc và bảo vệ an ninh của vùng Mãn Châu. Việc quân đội Trung Quốc chiếm đóng Nam Hàn không mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, mặc dù họ không bị hạn chế về khả năng.

Trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương (1950-1954 và 1964-1975), Trung Quốc nỗ lực trợ giúp những người đồng chí tại Đông Dương. An ninh Trung Quốc không trực tiếp bị đe dọa. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều thấy Trung Quốc không cần thiết phải can thiệp quân sự tại đây.

Các vụ ném bom vào đảo Quemoy và Matsu (1954-1955 và 1958) là những chiến dịch mạo hiểm nhưng rủi ro thấp vì Trung Quốc không thể nào chiếm được những đảo này với giá thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề trên đảo, nhất là năm 1958 khi quân trên đảo gần như bị phong tỏa và nhận lệnh không được bắn trả nhằm bảo đảm đạn dược đề phòng nguy cơ cộng quân bất ngờ đổ bộ lên đảo.

Trong hai cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ vào năm 1959 và 1962, Bắc Kinh chứng tỏ rỏ ràng sự kiềm chế của mình. Sau khi dạy cho Ấn Độ một bài học đau đớn, Trung Quốc không nỗ lực để giành một chiến thắng quân sự to lớn trước Ấn Độ. Việc đơn phương rút quân sau một tháng từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1962 rỏ ràng cho thấy phản ứng quân sự của Trung Quốc được tính toán rất kỹ lưỡng và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Cuộc chiến biên giới với Liên Xô tháng 3 năm 1969 càng minh chứng thêm sự bất ngờ nhưng có giới hạn trong chính sách của Trung Quốc. Đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm và hùng mạnh hơn, năng lực yếu kém và sự tính toán thực tế đã ngăn cản Trung Quốc khỏi việc đẩy xung đột thành một cuộc chiến lớn.


Trả lời

  1. […] thêm bài dịch từ quyển sách “China’s War with Vietnam, 1979”, của King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên […]

  2. […] thêm bài dịch từ quyển sách “China’s War with Vietnam, 1979”, của King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên […]

  3. […] thêm bài dịch từ quyển sách “China’s War with Vietnam, 1979”, của King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới […]

  4. […] thêm bài dịch từ quyển sách “China’s War with Vietnam, 1979”, của King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 – Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2 – Chiến tranh biên giới […]

  5. […] thêm bài dịch từ quyển sách “China’s War with Vietnam, 1979”, của King C. Chen: Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979   –   Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: phần 2   –   Chiến tranh biên […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục